Phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6
Sáng 1.6, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6 với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, Ngày Môi trường Thế giới 5.6 do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động, được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được UNEP phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại buổi lễ
Nhiều hoạt động ứng phó
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng nêu thực trạng, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có khoảng 9.188 ha đất chưa sử dụng, bao gồm đất đồi núi và núi đá không có rừng cây. Trong năm 2023, khoảng 23,69 ha diện tích rừng bị cháy và 7,09 ha rừng tự nhiên bị phá. Tình trạng phá rừng, phát nương rẫy lấn chiếm vào rừng tự nhiên đã làm cho lớp thực bì của các vùng đồi núi bị phá vỡ, tạo nên tình trạng hoang hóa đất, gia tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán cho các vùng phụ cận và khu vực hạ lưu. Các hoạt động khai thác quá mức quỹ đất, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất đai, nhất là đất sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu dự lễ phát động. Ảnh: M.H
Thời gian qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, cùng với đó là hiện tượng thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho lượng nước tại các hồ chứa tiêu hao nhanh nên đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, nhất là tại các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản và tưới tiêu nông nghiệp cũng gây ảnh hưởng đến hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nắng nóng kéo dài đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Đức Toàn phát biểu hưởng ứng tại lễ phát động. Ảnh: M.H
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan nhằm cụ thể hóa các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện đảm bảo công tác bảo vệ rừng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đều đã ổn định sản xuất, người dân nắm bắt được thông tin và chủ động thực hiện các giải pháp phát triển rừng, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và các đại biểu tham quan triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về môi trường. Ảnh: M.H
Ngoài ra, thời gian qua, trong công tác bảo vệ môi trường mà trọng tâm là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt, tạo nên những chuyển biến tích cực. Đáng ghi nhận là việc các địa phương đã ban hành các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn trong năm 2024, phân bổ nguồn lực để triển khai công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Đến nay, phần lớn các địa phương đã tăng tần suất và địa bàn thu gom rác, qua đó tăng dần tỷ lệ thu gom rác thải. Một số mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã triển khai thành công và đang từng bước được nhân rộng. Công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải ở một số địa phương đã được chú trọng thực hiện. Chủ trương giảm rác thải nhựa được các cấp, ngành và đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng…
Hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay
Phát động tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kêu gọi sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội tập trung hơn nữa trong công tác phòng, chống hạn, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; tập trung hơn nữa trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, quản lý rác thải sinh hoạt. Đặc biệt tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chính.
Các đại biểu tham quan mô hình phân loại rác tại nguồn do khối phố Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong) thực hiện. Ảnh: M.H
… và mô hình một số loại rau sạch được trồng từ phân hữu cơ của từ rác thải xử lý. Ảnh: M.H
Đó là, tăng cường tuyên truyền về tình hình và dự báo diễn biến khô hạn năm 2024 để nhân dân nhận thức và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn.
Tăng cường thực hiện các giải pháp về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng... Chú trọng việc quy hoạch sử dụng đất hợp lý, cải tạo đất trống đồi trọc, nghiên cứu các công nghệ, giải pháp kỹ thuật canh tác hiện đại tiết kiệm nước tưới, không gây suy thoái đất... Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nhất là đối với những hộ dân không thể sản xuất được vì không có nguồn nước tưới.
Tìm hiểu về mô hình phân loại rác tại nguồn tại khối phố Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong) do UBND huyện Tây Sơn giới thiệu tại lễ phát động. Ảnh: M.H
Tăng cường vận động người dân trồng và bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ, duy trì, phục hồi sức sản xuất của đất. Thực hiện đồng bộ công tác cải tạo, phục hồi các vùng đất bị ô nhiễm, suy thoái.
Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân bổ kinh phí đảm bảo để thực hiện đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024; trong đó chú trọng việc nâng tỷ lệ và tần suất thu gom rác khu vực đô thị và nông thôn.
Trong khuôn khổ lễ phát động, UBND TP Quy Nhơn tổ chức hoạt động đổi vỏ chai nhựa lấy cây xanh. Ảnh: M.H
Triển khai kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn, nhân rộng mô hình phân loại rác thải, giảm thiểu và tái sử dụng rác thải nhựa; tổ chức các hoạt động ra quân dọn vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm đổ rác tự phát gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
“Bên cạnh đó, tôi kêu gọi toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh hãy cùng chung tay thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hãy hành động ngay bằng những việc làm thiết thực nhằm giảm thiểu chất thải, quản lý, sử dụng bền vững và phục hồi những vùng đất bị thoái hóa, tạo nên những điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, là nơi đáng sống và là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ buổi lễ còn diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.
Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức gian hàng giới thiệu mô hình phân loại rác tại nguồn tại khối phố Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong) giới thiệu quy trình thực hiện mô hình; kết quả thu được (phân bón hữu cơ); giới thiệu một số loại rau sạch được trồng từ phân hữu cơ của mô hình. Sở TN&MT phối hợp với Tỉnh đoàn tỏ chức triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về môi trường.
UBND TP Quy Nhơn tổ chức hoạt động đổi vỏ chai nhựa lấy cây xanh và tổ chức tuyên truyền cho người dân về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; diễu hành cổ động trên đường phố và ra quân dọn vệ sinh môi trường dọc bờ biển và các tuyến đường, địa điểm công cộng trên địa bàn.
MAI HOÀNG