“Squad”, “Quad”: Nhóm nào đóng vai chính trong bàn cờ Thái Bình Dương?
Sau thành công của Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ, Nhật Bản và Philippines, cũng như hoạt động tuần tra hàng hải chung trên Biển Đông giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines hồi tháng 4, nhóm “Bộ tứ” mới (Squad) đã hình thành như là một đối trọng với Trung Quốc, liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này.
Cũng trong thời điểm này, New Delhi lại hoãn cuộc họp thượng đỉnh của Bộ tứ (Quad), gồm: Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Ngoài ra, những quyết sách đối ngoại vừa qua của Ấn Độ như bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của LHQ về xung đột Nga -Ukraine, duy trì quan hệ thương mại với Nga, mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga hay thỏa thuận cảng biển Chabahar với Iran, làm dấy lên những nghi ngại về tính thống nhất của nhóm này.
Một số nhà quan sát khu vực thậm chí còn cho rằng, “Squad” hiện giờ có thể hiệu quả hơn “Quad”, vì “Squad” là “sự phát triển tự nhiên” của các nhóm tiểu đa phương hiện tại, như AUKUS (Australia, Anh, Mỹ) và đối tác 3 bên Mỹ, Nhật Bản, Philippines. Sự ra đời của “Squad” được xem như là đòn bẩy kịp thời và cần thiết trong vòng tròn chính sách của Manila, nhất là khi Bắc Kinh ngày càng có động thái hung hăng với nước này trên Biển Đông.
Gần đây, Philippines liên tục có nhiều hoạt động thách thức những tuyên bố hàng hải phi pháp của Trung Quốc. Các nhà phân tích cũng lạc quan cho rằng, nhóm này sẽ là 1 liên minh bền vững hay thể chế hóa hơn vì các thành viên đều có lợi ích thương mại quan trọng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ảnh: Ruma Aktar/Getty Images
Tuy vậy, sáng kiến tiểu đa phương mới này cần xem xét 2 khía cạnh quan trọng.
Thứ nhất, Philippines không có đủ năng lực kinh tế hay quân sự cần thiết, cũng như ý định tham gia vào các chiến dịch quy mô rộng hơn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm đối phó với Trung Quốc ở nhiều cấp độ. Việc kỳ vọng “Squad” đảm nhiệm trọng trách khu vực là không thực tế nếu xét đến hạn chế quân sự của Manila và cam kết của nước này với những nguyên tắc của ASEAN, vốn được đề ra dựa trên sự đồng thuận và không can thiệp. Tốt nhất, “Squad” chỉ nên hiện diện theo hướng “địa phương hóa” tại các khu vực ở Biển Đông.
Thứ hai, vẫn còn quá sớm để gạt bỏ sự hiệu quả của “Quad”. Những diễn biến trong thời gian tới có thể thay đổi tình hình, đó là kết quả bầu cử ở Ấn Độ và lịch trình của Hội nghị thượng đỉnh Quad sắp tới. Nếu Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử (và gần như chắc chắn là vậy), thì “Quad” sẽ trở lại trong chính sách của nước này. Hiện Ấn Độ cũng lên kế hoạch họp “Bộ tứ” trong năm nay, khi chính phủ mới được thành lập.
Không như Philippines, Australia hay Nhật Bản, Ấn Độ không phải là đồng minh hiệp ước với Mỹ và không nhận hỗ trợ quân sự trực tiếp từ các thành viên khác trong “Quad”. Điều này cho thấy những khác biệt về kỳ vọng từ Ấn Độ trong “Bộ tứ”. Khi New Delhi còn phụ thuộc vào Nga để đáp ứng nhu cầu quân sự và phòng thủ thì nước này sẽ không cùng nhìn về một hướng với các thành viên khác trong nhóm. Mặc dù là thành viên của “Quad” đem lại cho Ấn Độ nhiều lợi thế quan trọng, nhưng vị trí địa lý và năng lực quân sự ở Ấn Độ -Thái Bình Dương cũng giúp nước này trở thành đối tác vô giá.
Sự hình thành nhóm “Squad” có thể bổ sung cho các cơ chế tiểu đa phương hiện tại, nhưng vai trò của “Quad” hiện giờ là không thể thay thế với sự hiện diện tích cực của Ấn Độ. Có lẽ, việc kết nạp Philippines (và có thể là Hàn Quốc) vào nhóm “Quad” sẽ là cách tiếp cận tốt hơn cho khu vực này.
LÊ QUẢNG (Theo The Interpreter)