Bổ sung vitamin A đúng cách
Thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc, dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc và mù vĩnh viễn; thoái hóa, sừng hóa các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể; giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em; trẻ chậm lớn, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ…
Để phòng, chống thiếu vitamin A cần bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vitamin A cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú; thực hiện đa dạng hóa bữa ăn. Trong bữa ăn nên có một số thức ăn giàu vitamin A như trứng, cá, thịt, gan, tôm…; thức ăn nguồn gốc thực vật như rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ lá, rau thơm, các loại củ quả (gấc, cà rốt, đu đủ, xoài…).
Đối với trẻ nhỏ, thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý khi trên 6 tháng tuổi. Thức ăn bổ sung của trẻ cần có đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A. Các thực phẩm giàu vitamin A cần được sử dụng tươi, tránh bảo quản lâu ngày, rau củ quả giàu vitamin tốt nhất sử dụng ngay sau khi thu hoạch và ăn sống (trộn salat) để đảm bảo không hao hụt vitamin.
Tuyệt đối không uống vitamin A liều cao (200.000IU) trong thai kỳ vì có thể gây dị dạng thai nhi. Sữa mẹ có nhiều vitamin A hơn sữa công thức, vì vậy trẻ bú sữa mẹ sẽ đề phòng được bệnh khô mắt.
Dự phòng thiếu vitamin A bằng cách bổ sung vitamin A liều cao được thực hiện cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Trẻ được uống vitamin A định kỳ, thông thường 6 tháng/lần để dự phòng thiếu vitamin A. Hiện trẻ được uống vitamin A dự phòng vào ngày vi chất dinh dưỡng (1 - 2.6) và ngày 1.12 hằng năm. Trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi (100% số trẻ được uống): 6 - 12 tháng tuổi, uống 1 liều 100.000 đv; 12 - 36 tháng tuổi uống 1 liều 200.000 đv. Sau đó cứ 6 tháng uống 1 liều 200.000 đv. Bà mẹ sau khi sinh uống 1 liều 200.000 đv ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh.
Vitamin A tuy rất quan trọng, nhưng tuyệt đối không tự ý bổ sung vitamin A quá liều cho trẻ.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)