Chọn sách giáo khoa mới năm học 2024 - 2025: Ưu tiên tính kế thừa, hiệu quả và phù hợp
Ðó là những tiêu chí để các trường tiểu học, THCS, THPT tiến hành chọn sách giáo khoa mới cho các khối lớp 5, 9, 12 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2024 - 2025.
Năm học 2024 - 2025 là năm học “hoàn chỉnh” sách giáo khoa (SGK) theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018. Khác với các năm học trước, theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28.12.2023 của Bộ GD&ĐT, năm nay, quyền chọn SGK được trao cho giáo viên.
Kế thừa để liền mạch chương trình
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục SGK mới để các trường thực hiện chọn sách, gồm: 41 cuốn SGK lớp 5, 48 cuốn lớp 9 và 39 cuốn lớp 12. Sở GD&ĐT đã có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 5, 9, 12. Đồng thời, lưu ý nguyên tắc, tiêu chí cơ bản để các trường thực hiện chọn SGK theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT và Quyết định 848/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, việc lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Đặc biệt, hai tiêu chí chọn SGK là phải phù hợp đặc điểm KT-XH của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại trường.
“Năm học 2024 - 2025 là năm cuối cùng trong lộ trình thực hiện chương trình SGK mới đối với các khối lớp cuối cấp ở cả 3 bậc học. Giáo viên được trao quyền bỏ phiếu lựa chọn sách trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các SGK trong danh mục SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập hội đồng lựa chọn SGK để đưa vào giảng dạy tại trường”, ông Hùng cho hay.
Giáo viên Trường Tiểu học số 2 Võ Xán (huyện Tây Sơn) đang thảo luận về sách giáo khoa mới. Ảnh: H.T.ĐIỂM
Trường THCS Võ Xán (huyện Tây Sơn) thành lập hội đồng chọn SGK mới cho lớp 9 với 15 thành viên (ban giám hiệu, giáo viên và đại diện phụ huynh học sinh); đồng thời cử giáo viên tham gia các hoạt động giới thiệu SGK mới trực tiếp và trực tuyến của nhà xuất bản. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Toàn xác nhận, việc chọn sách được dựa trên các ưu tiên “hiệu quả, chất lượng, sử dụng thuận tiện, kết cấu bài học phù hợp với năng lực học sinh”.
Cô Phạm Thị Ngọc Hiếu, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Võ Xán, thông tin thêm: Theo hướng dẫn của trường, các giáo viên tiến hành họp theo nhóm, bộ môn; góp ý, viết phiếu nhận xét về SGK; sau đó, bỏ phiếu kín từng đầu sách. Năm nay, ở 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, chúng tôi chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo”; môn Giáo dục công dân chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Trường tiểu học tại huyện Phù Cát tích cực chọn SGK cho năm học mới. Ảnh: H.T.ĐIỂM
Trong khi đó, Trường Tiểu học số 2 Cát Tường (huyện Phù Cát) quan tâm trước hết là sách có tính kế thừa để chọn SGK mới cho lớp 5. Hiệu trưởng Trần Thị Khánh cho biết: Ở SGK môn Tiếng Việt lớp 5, chúng tôi tiếp tục chọn từ bộ sách “Cánh Diều”, môn Toán chọn từ bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, để phù hợp và tiếp nối liền mạch chương trình học của sách năm học trước. Giáo viên ưu tiên sự phù hợp, tính logic, đảm bảo kiến thức liên tục cho học sinh.
Trách nhiệm gắn với năng lực chuyên môn vững vàng
Trường THPT số 1 Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) đã chủ động cung cấp bản mẫu SGK từ bản giấy cho đến file .pdf, tạo điều kiện để giáo viên theo dõi nội dung mọi lúc, mọi nơi. Hiệu trưởng Trần Trọng Anh chia sẻ: Trường bố trí thời gian đủ để mỗi giáo viên nghiên cứu kỹ các bản SGK, tổ chức các buổi họp tổ/nhóm chuyên môn để góp ý, chỉ ra những ưu, nhược điểm của sách, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Hiện, việc chọn SGK mới cho khối lớp 5, 9, 12 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2024 - 2025 tại các cơ sở giáo dục cơ bản hoàn tất. Sở GD&ĐT đang tiến hành thẩm định, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Hùng
7 trường tiểu học, 5 trường THCS, 2 trường THPT tại huyện miền núi Vân Canh cũng đã lựa chọn bộ SGK phù hợp với học sinh. Ông Nguyễn Trọng Thủy, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Canh Hiển, thông tin: Đặc thù trường có cả học sinh tiểu học và THCS, chúng tôi đã bố trí 2 hội đồng chọn sách, yêu cầu mỗi giáo viên phải nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính chặt chẽ trong chọn sách.
Thời điểm này, việc chọn SGK ở cấp trường của các trường tại TP Quy Nhơn đã hoàn thành, Phòng GD&ĐT thành phố đã báo cáo Sở GD&ĐT thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo ông Lý Chiêu Hòa, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, về cơ bản, kết quả lựa chọn SGK lớp 5, lớp 9 đảm bảo các nguyên tắc và tiêu chí quy định. Quyền quyết định chọn SGK được giao về cho các cơ sở giáo dục, cụ thể là tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy đánh giá và bỏ phiếu lựa chọn SGK. Điều này phát huy sự chủ động, ý thức trách nhiệm của giáo viên, vai trò nhà trường và cha mẹ học sinh trong nâng chất lượng dạy học; bên cạnh đó đã chú trọng vai trò, ý kiến của giáo viên trong lựa chọn, quyết định SGK phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học của nhà trường.
“Học sinh ở từng địa bàn có điều kiện KT-XH khác nhau nên có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau trong học tập, rèn luyện thì chính nhà trường, giáo viên hiểu rõ nhất để có thể lựa chọn SGK phù hợp nhất, phát huy tối đa năng lực, sở trường học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn quán triệt các trường và giáo viên phải thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn với năng lực chuyên môn vững vàng, hiểu và nắm rõ chương trình, SGK, học sinh mới tránh được cảm tính để lựa chọn được SGK phù hợp nhất cho hoạt động dạy, học và hoạt động giáo dục”, ông Hòa nhấn mạnh.
Quá trình chọn sách cũng ghi nhận khó khăn nhất định. Ông Châu Minh Hưng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, dẫn chứng: Ở môn Khoa học tự nhiên cấp THCS, nhiều trường đã lựa chọn đầu sách từ bộ sách “Chân trời sáng tạo”. Tuy nhiên, đầu sách này có ở lớp 6, 7, đến lớp 8 thì ngắt quãng. Trong danh mục SGK của Bộ GD&ĐT công bố cho lớp 9 sắp tới lại tiếp tục có sách của bộ sách này. Các trường trước đó đã chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” cho môn Khoa học tự nhiên, lên lớp 8 phải chọn bộ sách khác phù hợp hơn, thay thế, thì ở lớp 9 tới đây lại có sách. Điều này phần nào gây khó khăn trong chọn sách vì thiếu tính liền mạch chương trình.
HỒ ĐIỂM - MAI HOÀNG