Lượng khí thải nhà kính đạt mức kỷ lục mới
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố hôm nay (9.9) cho biết, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển trong năm qua một lần nữa đạt mức kỷ lục mới, trong khi độ axít của các đại dương - vốn thấm hút CO2 từ khí quyển vào nước - đang tăng cao hơn bao giờ hết.
"Khí hậu của chúng ta đang thay đổi và thời tiết đang trở nên khắc nghiệt hơn do những hoạt động của con người chẳng hạn như đốt nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta phải đảo ngược tình thế lại bằng cách cắt giảm CO2 và các loại khí nhà kính khác trên toàn thế giới", Giám đốc WMO Michel Jarraud cho biết.
Sự tập trung của những khí thải nhà kính trong khí quyển như: CO2, methane và nitrous oxide đang tăng lên không ngừng. Khí thải CO2 - thủ phạm chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu - đã tăng vọt lên 396 phần triệu trong năm 2013, tức 142% so với mức độ ở thời kì tiền công nghiệp trước năm 1750. Chỉ riêng từ năm 2012-2013, mức này đã tăng 2,9 phần triệu, mức tăng bình quân hàng năm cao trong 30 năm qua.
Báo cáo cũng cho thấy, cái gọi là cưỡng lực bức xạ hay tác động tự sự ấm lên toàn cầu đối với khí hậu của chúng ta do các khí thải nhà kính như CO2 đã tăng 34% từ năm 1990-2013.
1/4 khí thải nhà kính đã hấp thụ vào đại dương, trong khi 1/4 khí thải khác được hút vào sinh quyển.
Tuy nhiên, lượng CO2 tích trữ trong bầu khí quyển đến hàng trăm năm và trong đại dương thậm chí còn lâu hơn nữa. Các khí thải tích trữ trong đại dương cũng có "những ảnh hưởng sâu rộng" vì nhiều khí CO2 trong nước dẫn tới tăng độ axít, gây biến đổi hệ sinh thái biển, WHO cảnh báo.
Mỗi ngày, các đại dương trên thế giới hút khoảng 4 kilo khí CO2 và mức độ axít hóa của các đại dương hiện đang tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong 300 triệu năm trở lại đây.
Hồng Hà (Theo AFP)