Cần đảm bảo tính khả thi của dự án luật, tránh oan sai
Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sáng ngày 3.6, đại biểu (ĐB) Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ trong việc hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại kỳ họp lần này.
ĐB Ba cho rằng đây là dự án luật rất cần thiết trước tình hình diễn biến rất phức tạp về tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, nhằm đảm bảo sự bình yên cho đời sống của nhân dân.
ĐB Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh, phạm vi và phân loại vũ khí quân dụng là điểm mới rất lớn của luật. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Đánh giá về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), ĐB Ba nhấn mạnh, phạm vi và phân loại vũ khí quân dụng là điểm mới rất lớn của luật. Cụ thể là có quy định mở rộng phạm vi của vũ khí quân dụng đối với trường hợp là dao có tính sát thương cao với những quy định khá cụ thể.
“Về thực tiễn, cần có biện pháp mạnh để răn đe, trừng trị đối tượng dùng dao sát thương cao trong vụ án hình sự, nhưng báo cáo của cơ quan soạn thảo lập luận chưa rõ. Chúng ta không đi vào bản chất, tính năng vũ khí mà căn cứ vào mục đích của đối tượng thực hiện hành vi thì rất khó xác định trong thực tiễn”, ĐB Ba nói.
Theo ĐB Ba, cần quan tâm, nếu đi theo hướng này cần biện pháp có tính khả thi để lực lượng chức năng không làm oan sai người chế tạo, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.
Điểm mới khác của dự án luật - linh kiện chế tạo vũ khí quân dụng cũng là vũ khí quân dụng. Xét về góc độ quản lý về linh kiện vũ khí quân dụng theo luật này, ĐB Ba đồng tình, nhưng việc xử lý hình sự, đối chiếu quy định về linh kiện thì sẽ có vấn đề.
“Theo quy định hiện hành, việc vận chuyển, tàng trữ dù là một viên đạn cũng bị xử lý hình sự, quy định này nhiều chuyên gia cho rằng không hợp lý và không phù hợp khái niệm tội phạm theo Điều 8 Bộ luật Hình sự. Nay dự thảo Luật lại quy định thêm linh kiện chế tạo vũ khí quân dụng cũng là vũ khí quân dụng; như vậy bộ phận cấu thành của viên đạn (như thuốc nổ, vỏ đạn, đầu đạn) có phải là bộ phận cơ bản để chế tạo viên đạn không và có phải vũ khí quân dụng không? Nếu coi là vũ khí quân dụng trong trường hợp này thì sẽ xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép linh kiện vũ khí quân dụng theo Điều 305 Bộ luật Hình sự, như vậy thì có bất hợp lý?”, ĐB Ba đặt vấn đề.
ĐB Ba cũng đề nghị cần quy định phân định rõ giữa linh kiện vũ khí quân dụng với vật liệu nổ, vì ở đây có thể có sự “chồng lấn”, trong trường hợp linh kiện để chế tạo vũ khí quân dụng là vật liệu nổ. Thực tiễn có thể vướng, dễ dẫn đến nhầm lẫn, oan sai.
Liên quan đến quy định khai báo vũ khí thô sơ, ĐB Ba cũng nhận định rằng, quy định của dự án luật chưa minh bạch. ĐB Ba nêu câu hỏi: “Khai báo trước khi sản xuất, kinh doanh hay sau? Có phải mọi trường hợp mua bán đều phải khai báo hay không, khai báo thế nào? Cửa hàng bán dao có tính sát thương cao thì khai báo ra sao?”.
Theo ĐB, mặc dù dự thảo Luật có giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng vẫn cần phải quy định rõ hơn ngay từ trong Luật để đảm bảo quyền của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
M.LÂM - N.HÂN