Không xa đâu O2!
Trong chuyến thăm, tặng quà và làm việc với nhân dân thôn O2, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của bà con. Đồng chí đã hỗ trợ người dân thôn O2 một số thiết bị, dụng cụ thiết yếu để giải quyết khó khăn trước mắt. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND huyện Vĩnh Thạnh khảo sát, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đường, điện; giúp bà con thuận lợi trong việc đi lại, cải thiện đời sống.
Cách trở O2
Thôn O2 (xã Vĩnh Kim) nằm về phía cực Bắc huyện Vĩnh Thạnh, là thôn xa nhất của huyện. Từ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh về tới thôn O2 phải trải qua 3 chặng di chuyển vô cùng khó khăn.
Đường đi cách trở khiến người dân thôn O2 gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ảnh: V.L
Đầu tiên, di chuyển bằng ô tô từ thị trấn Vĩnh Thạnh đến Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn với quãng đường hơn 40 km. Tiếp theo là đi bộ gần 3 km đường rừng với nhiều đèo, dốc cao. Cuối cùng, từ “bến xe” O2 di chuyển bằng xe máy “chuyên dụng” trên quãng đường rừng gần 4,5 km mới tới được thôn.
Ông Đinh Khích, Trưởng thôn O2, chia sẻ: “Đường đi cách trở ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của bà con. Người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả để đưa nguyên vật liệu, nhu yếu phẩm từ trung tâm xã Vĩnh Kim về thôn; cũng như chuyển nông sản, vật nuôi từ thôn xuống trung tâm xã tiêu thụ nên hầu như ở đây thường tự cung, tự cấp. Đặc biệt, thôn chưa có điện thắp sáng và không có sóng điện thoại di động, gần như biệt lập với bên ngoài”.
Vì không có điều kiện giao lưu với bên ngoài, thôn O2 chẳng khác nào một ốc đảo; dẫn đến tiềm năng đất đai của địa phương dồi dào, màu mỡ nhưng không thể tận dụng. Điều này khiến thôn O2 có 54 hộ dân, với hơn 200 nhân khẩu thì 44 hộ thuộc diện hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo. Bà con nơi đây chủ yếu canh tác lúa nước, lúa rẫy; trồng cây ngắn ngày như mì, đậu, bắp và chăn nuôi số lượng ít heo, bò, gà nhưng năng suất, chất lượng không cao do thiếu thốn đủ bề.
“Cái thiếu thốn, khó khăn “quấn” lấy cái nghèo và vòng luẩn quẩn này mãi bao đời nay chưa có cách nào tháo gỡ. Mong ước lớn nhất của bà con thôn O2 là làm sao có điện thắp sáng, có trạm phát sóng điện thoại di động và có đường đi thuận tiện để dễ dàng kết nối, giao thương với bên ngoài”, ông Đinh Cư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim trăn trở.
Thôn O2 có 54 hộ dân thì 44 hộ thuộc diện hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Trong ảnh: Một góc thôn O2. Ảnh: V.L
Quyết tâm mở đường
Trong chuyến công tác về thôn O2 đầu tháng 6 này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây. “Thay mặt lãnh đạo tỉnh, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tốt nhất mọi việc cho bà con theo từng bước một”, đồng chí Phạm Anh Tuấn cho hay.
Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ thôn O2 5 bộ đèn năng lượng mặt trời 1.000 W; 5 máy cày cầm tay; 5 bồn chứa nước inox loại 1.500 lít và 2.000 m ống nước để dẫn nước từ suối về thôn. Ngoài ra, tới đây, UBND tỉnh sẽ lập dự án; sau đó chuyển cho UBND huyện Vĩnh Thạnh thực hiện hỗ trợ mỗi hộ dân 2 con bê cái sinh sản và hỗ trợ thôn 2 con bò đực lấy giống nhằm tạo sinh kế bền vững cho bà con.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh sớm triển khai khảo sát đường đi, hướng tuyến để chuẩn bị làm đường. Sau khi thống nhất hướng tuyến, nhà nước đầu tư kinh phí mua xi măng, cát, sỏi; nhân dân thôn O2 bỏ công sức làm đường, quá trình làm được nhà nước lo tiền ăn hằng ngày. Dự kiến, đường rộng từ 1 - 1,2 m và đổ bê tông mặt đường dày khoảng 15 - 20 cm; phục vụ tốt cho xe mô tô lưu thông đi lại.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh dự kiến đầu tư hệ thống pin mặt trời cỡ lớn, bộ tích trữ điện đủ để người dân thôn O2 sử dụng. Trang bị thêm 2 máy nổ công suất cao, đề phòng trường hợp không thể phát điện từ pin mặt trời thì dùng tới máy nổ. Sau khi có hệ thống điện sẽ tính tới việc xây dựng, lắp đặt trạm phát sóng di động để đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân.
“Nhà nước và bà con cùng đồng lòng góp công, góp của triển khai việc mở đường vào thôn O2 càng sớm càng tốt. Quyết tâm trước Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, phải có được đường”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở bà con quan tâm việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; không vứt chai nhựa, bao bì ni lông gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, bà con không được chặt phá rừng làm nương rẫy, vì đây là việc làm vi phạm pháp luật và gây hại đến hệ sinh thái rừng.
“Rừng là của bà con; việc bảo vệ, giữ rừng là giữ cho chính bà con. Bà con chặt cây, phá rừng không chỉ vi phạm pháp luật, mà về lâu dài sẽ gây xói mòn, sạt lở đất, cạn kiệt mạch nước ngầm dẫn đến không thể canh tác, sản xuất”, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.
Theo ông Đinh Drin, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, địa phương sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong việc khảo sát, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng đường, điện cho thôn O2. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và tổ chức cho bà con cam kết chung sức với nhà nước làm đường; sử dụng hiệu quả các tài sản mà UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ. Đặc biệt, yêu cầu UBND xã Vĩnh Kim và các phòng, ban liên quan của huyện Vĩnh Thạnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyệt đối không để bà con phá rừng làm nương rẫy.
VĂN LỰC