Hoạt động thừa phát lại vẫn gặp khó
Dù Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8.1.2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại ra đời đã hơn 4 năm, nhưng tình hình hoạt động của các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện cả tỉnh chỉ có 2 văn phòng đang hoạt động, trong đó có văn phòng dù thành lập đã nửa năm nhưng chỉ lập được duy nhất 1 vi bằng.
Nửa năm chỉ lập được 1 vi bằng
Theo Sở Tư pháp, các văn phòng thừa phát lại (TPL) được thành lập theo loại hình DN tư nhân với 1 TPL đăng ký hoạt động đồng thời là trưởng văn phòng, tập trung tại TP Quy Nhơn. Công việc của các văn phòng chủ yếu là tống đạt văn bản và lập vi bằng.
Về lập vi bằng, nội dung chủ yếu để ghi nhận hành vi như: Giao nhận tiền, ghi nhận hiện trạng tài sản, sự kiện, hành vi trên mạng xã hội… Về tống đạt văn bản, những năm gần đây các văn phòng chỉ thực hiện cho ngành Tòa án, bởi ngành Kiểm sát và Thi hành án chưa thực hiện do không có kinh phí.
Những năm qua, số lượng văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh chẳng những ít mà hoạt động cũng không bền vững. Trong vòng 3 năm sau khi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP được ban hành (từ tháng 2.2020 đến tháng 3.2023), chỉ có 2 văn phòng được thành lập. Tuy nhiên, năm 2021, Văn phòng TPL Bình Định (được thành lập năm 2014, là văn phòng TPL đầu tiên trên địa bàn tỉnh) giải thể. Tháng 6.2023, Văn phòng TPL Quy Nhơn cũng ngừng hoạt động.
Tại thời điểm tháng 7.2023, toàn tỉnh chỉ còn Văn phòng TPL Nam Trung Bộ (số 99, đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn). Đến cuối năm 2023, Văn phòng TPL Công Lý (số 33, đường Đống Đa, TP Quy Nhơn) được thành lập.
Theo Sở Tư pháp, từ năm 2020 đến tháng 3.2023, các văn phòng TPL đã thực hiện tống đạt 26.852 văn bản của ngành Tòa án với doanh thu gần 3,1 tỷ đồng; lập 48 vi bằng với doanh thu hơn 445 triệu đồng.
Hiện nay, tình hình hoạt động của 2 văn phòng nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Doanh thu của Văn phòng TPL Nam Trung Bộ tính từ ngày 1.1.2023 - 31.10.2023 đạt hơn 832 triệu đồng, trong đó tống đạt 7.886 văn bản (doanh thu hơn 776 triệu đồng), lập vi bằng 25 vụ việc (doanh thu hơn 56 triệu đồng).
Trong khi đó, tình trạng hoạt động của Văn phòng TPL Công Lý lại quá ảm đạm. Ông Lê Văn Bình, Trưởng Văn phòng TPL Công Lý, cho biết hiện văn phòng vẫn chưa ký được hợp đồng với các tòa án để tống đạt văn bản. Kết quả sau nửa năm hoạt động, văn phòng chỉ lập được 1 vi bằng, đang rơi vào cảnh lỗ trầm trọng.
Theo thư ký nghiệp vụ của Văn phòng TPL Công Lý, thông thường doanh thu mỗi vi bằng chỉ khoảng 3 - 5 triệu đồng, trong khi chi phí cho hoạt động văn phòng khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng.
Văn phòng Thừa phát lại Công Lý thành lập đã nửa năm nhưng rất ít khách. Ảnh: N.C
Đẩy mạnh tuyên truyền, gỡ khó
Một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động của văn phòng TPL gặp nhiều khó khăn là dịch vụ lập vi bằng còn khá mới mẻ. Nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ, công chức vẫn chưa biết đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nghiệp vụ TPL cũng như giá trị pháp lý của việc lập vi bằng. Trong số ít người dân hiểu biết về vi bằng và đến văn phòng TPL để sử dụng dịch vụ, nhiều người vì tâm lý sợ tốn tiền nên không thực hiện.
Theo ông Bình, Văn phòng dù hiện không có doanh thu nhưng vẫn duy trì hoạt động, hy vọng năm tới có thể ký được hợp đồng với các tòa án để tống đạt văn bản. Còn ở mảng lập vi bằng, có lẽ phải nhiều năm nữa, khi kinh tế địa phương phát triển như ở các đô thị lớn, thu nhập lẫn nhận thức người dân được nâng cao thì nhu cầu xã hội về lập vi bằng mới nhiều, hoạt động của TPL theo đó sẽ phát triển.
Bà Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết thời gian qua Sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của TPL với nhiều hình thức đa dạng, nội dung chuyên sâu; thường xuyên cập nhật thông tin mới về TPL, các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của TPL, giá trị pháp lý của vi bằng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ trong việc thực hiện chế định TPL.
Sở phối hợp, đề nghị các cơ quan như viện Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án tuyên truyền, quán triệt chế định TPL trong hệ thống ngành dọc; đẩy mạnh việc chuyển giao văn bản tống đạt; thông tin cho Sở về số lượng và chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử tại các cấp tòa.
Để tháo gỡ những khó khăn hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng các văn phòng TPL cần chủ động hơn nữa trong tuyên truyền, quảng bá hoạt động của TPL; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa hoạt động của TPL gần gũi hơn với đời sống, phát huy vai trò giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, qua đó góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp.
NGUYỄN CHƠN