Gói viện trợ của NATO là “cầu nối” trong nỗ lực giúp Ukraine gia nhập liên minh
Theo Defense News, tại hội nghị thường niên vào tháng 7 tới, NATO có kế hoạch cung cấp cho Ukraine một gói hỗ trợ an ninh, mặc dù vẫn chưa chấp nhận yêu cầu của Kiev gia nhập tổ chức trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga vẫn đang tiếp diễn.
Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết, ngoài gói viện trợ cho Ukraine dự kiến sẽ được công bố vào tháng 7, ước tính có khoảng 32 quốc gia đang xây dựng các điều khoản hỗ trợ song phương cho Kiev ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Trong đó, có 13 quốc gia đã hoàn tất các thỏa thuận.
Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn của Defense Writers Group ngày 3.6, bà Smith cho rằng gói viện trợ này sẽ "đóng vai trò là cầu nối giữa NATO và Ukraine, đồng thời được xem là cách mà NATO ghi nhận "nguyện vọng gia nhập tổ chức của Ukraine".
Bà Julianne Smith, đại sứ Mỹ tại NATO. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi đang nỗ lực thể chế hóa một số hỗ trợ song phương mà một số quốc gia đang cung cấp cho Ukraine và đặt chúng dưới sự giám sát của NATO, đồng thời gửi tín hiệu tới Moscow rằng liên minh NATO sẽ luôn sát cánh với Kiev", bà Smith nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu nhanh chóng gia nhập NATO ngay sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ hồi năm 2022, nhưng NATO đã từ chối yêu cầu này tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Lithuania. Thay vào đó, liên minh này cung cấp cho Ukraine một gói hỗ trợ kéo dài nhiều năm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước các đợt tấn công của Nga trên tiền tuyến.
Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ cho phép Kiev viện dẫn điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh, có khả năng gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn với Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden năm ngoái cho biết cuộc chiến với Nga sẽ phải kết thúc trước khi Ukraine gia nhập liên minh.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ khả năng sẽ chấp nhận cho Ukraine gia nhập NATO. “Đến thời điểm thích hợp, Ukraine có thể trở thành thành viên NATO ngay lập tức”, ông Stoltenberg nói.
Một số công ty quốc phòng từ khối NATO đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác sản xuất một số vũ khí quân sự với Ukraine như các hệ thống máy bay không người lái (UAV). Hồi tháng 5, Mỹ đã công bố gói tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 2 tỷ USD, chủ yếu nhằm giúp Ukraine phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh đó, Đại sứ Mỹ tại NATO lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh tháng 7, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập NATO, cũng sẽ tập trung vào các kế hoạch phòng thủ và răn đe khu vực ở phía bắc, trung và nam châu Âu, mà các thành viên đã đề xuất vào năm ngoái. Bà Smith lập luận rằng các kế hoạch này sẽ giúp trấn an các nhà sản xuất quốc phòng rằng NATO có ý định tiếp tục mua số lượng lớn đạn dược và các trang thiết bị khác trong thời gian dài, khuyến khích họ tăng cường sản xuất .
Hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tháng 7 tới sẽ tập trung vào việc chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các thành viên. Bà Smith hy vọng rằng hơn 20 quốc gia sẽ chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội tương ứng của họ cho quốc phòng - mục tiêu mới do liên minh đặt ra.
Theo Diệp Thảo (VOV.VN)