Từ nay, tài xế chỉ cần xuất trình VNeID đã tích hợp GPLX khi được yêu cầu kiểm tra
Theo quy định mới vừa được ban hành, kể từ nay, giấy phép lái xe đã được xác thực trên ứng dụng VNeID sẽ được công nhận là giấy tờ hợp lệ. Điều này có nghĩa là người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe trên VNeID thay cho giấy tờ bản cứng (nhựa PET) khi tham gia giao thông để không bị phạt.
Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2024.
Đáng chú ý, thông tư nêu trên đã bổ sung quy định về việc sử dụng và quản lý giấy phép lái xe như sau: “Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VneID”.
Vì vậy, giấy phép lái xe đã được xác thực trên ứng dụng VNeID cũng sẽ được công nhận là giấy tờ hợp lệ. Điều này có nghĩa là người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe trên VNeID thay cho giấy tờ bản cứng khi tham gia giao thông để không bị phạt. Người dân vẫn có thể sử dụng giấy phép lái xe bản cứng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp để xuất trình khi có cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Thông tư cũng quy định 6 trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe tại điểm b, khoản 24, Điều 4, gồm:
- Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe.
- Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe.
- Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện.
- Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký.
- Thông qua việc khám sức khỏe, cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d, khoản 10, Điều 5; điểm h, và điểm i, khoản 8, Điều 6, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019).
Hơn nữa, người điều khiển xe phạm các hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả hoặc sử dụng giấy phép lái xe đã báo mất để lái xe, cơ quan quản lý giấy phép lái xe sẽ cập nhật thông tin về hành vi vi phạm vào hệ thống thông tin giấy phép lái xe từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Các cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm trước luật pháp và sẽ không được cấp lại giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm, tính từ ngày phát hiện vi phạm; nếu muốn được cấp lại giấy phép lái xe, họ phải tuân thủ quy trình học và thi lại như trong trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Theo Minh Đức (TPO)