Nhân ngày môi trường thế giới 5.6: Mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái
Ðây là thông điệp mà bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, muốn chuyển tải đến mọi người nhân Ngày Môi trường thế giới 5.6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.
Ngày Môi trường thế giới (5.6) năm 2024 được Chương trình Môi trường LHQ phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và chống hạn hán, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Thanh Hương xung quanh vấn đề này.
• Xin bà đánh giá tổng quan về chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh?
- Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.188 ha đất chưa sử dụng, bao gồm đất đồi núi và núi đá không có rừng cây. Trong năm 2023, khoảng 23,69 ha diện tích rừng bị cháy và 7,09 ha rừng tự nhiên bị phá.
Tình trạng phá rừng, phát nương rẫy lấn chiếm vào rừng tự nhiên làm cho lớp thực bì của các vùng đồi núi bị phá vỡ, gây hoang hóa đất, gia tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán. Các hoạt động khai thác quá mức quỹ đất, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất đai, nhất là đất sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ tưới gây ảnh hưởng đến hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện tượng nắng nóng kéo dài thời gian qua cũng làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn.
Hằng năm, Sở TN&MT thực hiện công tác quan trắc, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường đất tại 169 điểm quan trắc cố định trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu đất tại 29 điểm và một số vị trí quan trắc đất nông nghiệp.
Kết quả quan trắc giai đoạn 2021 - 2023 cho thấy, chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh ở mức tốt; các chỉ tiêu đều trong giới hạn cho phép.
• Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đóng vai trò như thế nào trong quản lý chất lượng môi trường đất, thưa bà?
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 dành 5 điều (từ Điều 15 đến Điều 19) để quy định về bảo vệ, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất; quản lý, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; trách nhiệm bảo vệ môi trường đất của các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, các văn bản dưới Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường đất khi triển khai dự án, chuyển đổi đất trồng lúa.
Tại Bình Định, thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các giải pháp bảo vệ chất lượng môi trường đất và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, chú trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác ứng phó kịp thời, có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Việc nghiên cứu các công nghệ, giải pháp kỹ thuật canh tác hiện đại tiết kiệm nước tưới góp phần giảm suy thoái đất, bảo vệ chất lượng môi trường đất.
- Trong ảnh: Người dân xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) áp dụng mô hình tưới tiết kiệm khi canh tác cây đậu phụng. Ảnh: V.L
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất. Điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm, đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định. Có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tình trạng hạn hán tại mỗi địa phương. Tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng, tránh khô hạn, bảo vệ chất lượng môi trường đất.
• Theo bà, các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ chất lượng môi trường đất, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm?
- Trước tiên, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, xem nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển KT-XH; là nhiệm vụ quan trọng, gắn chặt với quá trình phát triển bền vững.
Theo Công ước của LHQ về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44.000 tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Mặt khác, các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường tuyên truyền về tình hình và dự báo diễn biến khô hạn để nhân dân nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn. Chú trọng việc quy hoạch sử dụng đất hợp lý; cải tạo đất trống đồi trọc; nghiên cứu các công nghệ, giải pháp kỹ thuật canh tác hiện đại tiết kiệm nước tưới, không gây suy thoái đất. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất.
Bên cạnh đó, tăng cường vận động người dân trồng và bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học để góp phần bảo vệ, duy trì, phục hồi sức sản xuất của đất. Thực hiện đồng bộ công tác cải tạo, phục hồi các vùng đất bị ô nhiễm, suy thoái.
Đặc biệt, mỗi người dân trên địa bàn tỉnh bằng những việc làm thiết thực hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ và phục hồi những vùng đất bị suy thoái nói riêng. Qua đó, tạo nên những điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
• Xin cảm ơn bà!
VĂN LỰC (Thực hiện)