Ðể giảng đường thêm gắn bó với thực tế
Với mục đích phát triển nghiên cứu học thuật, Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ và Khoa học công nghệ Quang Trung (Trường ĐH Quang Trung) tiến hành tìm hiểu, trồng thí điểm hơn 200 gốc cải đuôi phụng bằng hình thức trồng thủy canh đối lưu.
Theo đó, cải đuôi phụng được trồng nhiều ở vùng Đà Lạt, Lâm Đồng theo phương thức thủy canh và hữu cơ; nhưng chưa được áp dụng trồng tại Bình Định.
Sau thời gian chăm sóc, cây cải phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu tại Bình Định, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của sinh viên trường. Ảnh: H.T.ĐIỂM
Anh Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ và Khoa học công nghệ Quang Trung, cho biết: Qua thời gian nghiên cứu, chăm sóc, chúng tôi nhận thấy cây thích nghi với điều kiện khí hậu tại Bình Định, vì trước đây, giống cải chỉ phát triển ở vùng có khí hậu lạnh. Hơn nữa, trồng bằng hình thức thủy canh đối lưu, cải sẽ có thân giòn, xanh; áp dụng tỷ lệ bón phân và ánh sáng hợp lý có thể thu hoạch sau 30 - 35 ngày gieo trồng. Vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành thu hoạch đợt 2. Mô hình tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên khoa Sinh học có cơ hội nghiên cứu sâu, tìm hiểu một số hướng phát triển cây trồng mới.
Hiện nay, cây cải đuôi phụng có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, là sản phẩm ưa chuộng tại nhiều địa phương, có thể đáp ứng nguồn cung cho nhiều nhà hàng, siêu thị.
Với quy mô gần 2.000 m2 nhà màng, trung tâm đã tiến hành thử nghiệm đối với một số cây trồng khác như dưa lưới, cải hoa hồng… Thời gian tới tiếp tục mở rộng, tăng số lượng cây trồng; áp dụng phương án trồng mới. Ngoài ra, trung tâm đã liên kết với một số khu nhà màng bên ngoài như Farm nhà Na (TP Quy Nhơn), phát triển mô hình trồng theo hướng khí canh và Aquaponics, định hướng cho sinh viên tham khảo, tìm hiểu thực tế thêm những mô hình liên kết bên ngoài, anh Trung cho biết thêm.
bạch dương