Di dời tàu thuyền từ TP Quy Nhơn về đầm Ðề Gi: Cân nhắc kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận
Trong 3 ngày cuối tháng 5 vừa qua, UBND TP Quy Nhơn phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các phường có tàu cá tổ chức những buổi gặp gỡ chủ tàu đang neo đậu ở Cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận, để thông tin về Ðề án di dời tàu ra neo đậu tại khu vực đầm Ðề Gi, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Các hội trường tổ chức cuộc gặp gỡ luôn chật kín người. Đa số chủ tàu đồng tình di dời, nhưng mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để ổn định thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Cần hoàn thiện hạ tầng trước khi di dời
Đa số chủ tàu đã chia sẻ điều này tại các buổi gặp gỡ, đối thoại; nhiều ngư dân, đặc biệt là những chủ tàu ở phường Trần Phú, Hải Cảng có quê gốc ở huyện Phù Mỹ bày tỏ quan ngại về địa điểm neo đậu tàu thuyền tại đầm Đề Gi. “Trước đây không ít lần tàu thuyền ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đến mùa mưa bão bị sóng đánh dạt khi neo đậu ở đầm Đề Gi. Rất mong các cấp, ngành nghiên cứu thật kỹ, hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, để đảm bảo an toàn cả tính mạng và tài sản cho ngư dân chúng tôi”, lão ngư Phan Thành Tài ở phường Lê Lợi chia sẻ.
Theo Đề án, toàn bộ tàu cá neo đậu ở Cảng cá Quy Nhơn sẽ di dời ra khu vực đầm Đề Gi. Ảnh: N.T
Ngổn ngang là tâm trạng của đa số chủ tàu, bởi với nghề biển lâu nay thì hầu như “tàu đâu người đó”. Những chiếc tàu tiền tỷ là tài sản rất lớn của ngư dân, vậy nên họ rất quan tâm đến việc tái định cư, di dời, điều kiện chợ búa, trường học, cơ sở y tế… tại nơi ở mới. Họ mong muốn có thêm thông tin cụ thể về giá đất ở khu tái định cư, đồng thời đề nghị các cấp, ngành đầu tư xong hạ tầng liên quan trước khi chính thức triển khai việc di dời.
Trao đổi với bà con, nhắc nhớ chuyện gần chục năm trước một số tàu thuyền ở đầm Đề Gi bị bão lớn đánh trôi ra biển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Nguyễn Công Bình thông tin, mọi việc đều đã được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Theo Đề án di dời đã được UBND tỉnh phê duyệt, tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện trước khoảng 5 ha tại Khu tái định cư và dân cư Vĩnh Lợi (huyện Phù Mỹ) để bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi di dời tàu thuyền từ TP Quy Nhơn về đầm Đề Gi. Giai đoạn 2024 - 2025, Cảng cá Đề Gi sẽ được đầu tư mở rộng lên khoảng 4 ha, xây cầu đứng, nhà phân loại cá, kêu gọi DN đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, dự án Khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi, với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, do Bộ NN&PTNT phê duyệt, đang được triển khai thi công thành khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (quy mô tàu neo đậu không vượt quá 2.000 chiếc/300 CV) đảm bảo hoàn thiện trước khi tàu cá ở Quy Nhơn di dời về.
Mong muốn chính sách hợp lý, hợp tình
Cùng với những chủ tàu đồng ý di dời, có không ít người chọn phương án xả bản tàu, lưỡng lự giữa việc đi - ở. Số người này quan tâm rất nhiều đến những chính sách hỗ trợ, trong đó có việc chuyển đổi nghề.
Anh Nguyễn Thành Sơn, ở khu phố 11, phường Hải Cảng có tàu cá dưới 6 m làm nghề lưới rê, đánh bắt ven bờ ở đầm Thị Nại, nuôi cả gia đình 6 người, trong đó có 2 con đang đi học. “Tôi hiện tại nằm trong diện xả bản, nhưng chỉ nghe nhắc đến việc xả bản phương tiện là chiếc tàu, còn trang thiết bị và ngư lưới cụ gần cả trăm triệu đồng thì không biết thế nào. Sau khi xả bản, tôi được hỗ trợ học nghề nhưng không biết liệu công việc tương lai có đảm bảo thu nhập để nuôi 6 người như hiện tại không”, anh Sơn lo lắng.
Theo bà Trần Thị Bích Thuận, ở khu phố 1, phường Trần Phú, nơi có nhiều người dân sở hữu tàu dưới 6 m và thúng để làm nghề lưới lồng và lưới hai thì: “Hầu hết gia đình ngư dân như chúng tôi lâu nay sinh sống theo kiểu, chồng đánh bắt cá tôm, vợ buôn bán hải sản chồng đánh bắt được, toàn bộ thu nhập nuôi sống gia đình. Chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân cần tính toán kỹ đến trình độ học vấn, cách nghĩ, cách sinh sống đã ăn sâu vào cuộc sống chúng tôi nhiều năm, nhiều thế hệ. Mong các cấp quan tâm hỗ trợ số bà con ngư dân khai thác bằng xuồng, làm thúng, tạo điều kiện ngay từ đầu để người dân ổn định, phát triển thay vì sau này phải đi gỡ khó”, bà Thuận ý kiến.
Theo Đề án, trong năm 2024, tỉnh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ di dời tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về khu vực đầm Đề Gi. Nội dung của chính sách gồm: Hỗ trợ di dời tàu cá (hỗ trợ mua đất ở theo giá nhà nước), hỗ trợ tiền trông giữ tàu cá, hỗ trợ xả bản tàu cá và chuyển đổi nghề cho ngư dân, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân làm dịch vụ hậu cần nghề cá trong cảng cá Quy Nhơn.
Chia sẻ với những trăn trở của người dân, ông Phạm Xuân Thiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn (Sở NN&PTNT), khẳng định việc tổ chức di dời phải đảm bảo an toàn, có sự đồng thuận của chủ tàu cá, đảm bảo về vị trí neo đậu, tái định cư và ổn định cuộc sống của hộ chủ tàu cá.
“Trong chủ trương của tỉnh về việc này, phải tạo được sự đồng thuận. Quá trình xây dựng chính sách đảm bảo hợp lý hợp tình, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của bà con. Dự kiến, trước khi ban hành chính sách, các cấp, ngành sẽ tiếp tục lấy ý kiến bà con một lần nữa, rồi cân nhắc thật cụ thể trước khi quyết định”, ông Thiêm cho hay.
NGỌC TÚ