Cần có chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân hoạt động không chuyên
Chiều 5.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực VH-TT&DL.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân không chuyên. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Phát biểu tranh luận với đại biểu (ĐB) Trần Quốc Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) liên quan đến vấn đề duy trì và bảo tồn nghệ thuật truyền thống, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã trả lời về các chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân cũng như đào tạo thế hệ trẻ để giữ gìn nghệ thuật truyền thống, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, theo ĐB Thủy, hiện nay còn loại hình nghệ thuật truyền thống đang phát triển tại các địa bàn dân cư, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, hoạt động mang tính không chuyên do người dân, công nhân, các tầng lớp lao động yêu thích thực hiện. Các đoàn nghệ thuật không chuyên này tự trang trải, trang bị kinh phí để tổ chức các chương trình nghệ thuật, ví dụ như bài chòi, cải lương…
“Các hoạt động không chuyên này cũng góp phần bảo tồn và gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống, phát huy tình yêu quê hương, đất nước. Từ đây cũng xuất hiện nhiều nghệ nhân. Tuy nhiên, chưa có chính sách gì hỗ trợ cho loại hình nghệ thuật không chuyên này. Địa phương rất muốn hỗ trợ kinh phí cho các sân khấu sáng đèn nhưng cơ chế không cho phép. Bộ VH-TT&DL sẽ có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ loại hình nghệ thuật này trong thời gian tới?”, ĐB Thủy nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng mong muốn đi kèm với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa là hoàn thiện về chính sách nhằm động viên, phát huy hiệu quả đội ngũ văn nghệ sĩ và nghệ nhân không chuyên. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, tập trung nghiên cứu và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa để có cách tiếp cận mới, nhằm bảo vệ, gìn giữ hiệu quả.
Về chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hiện chưa có chính sách ở tầm quốc gia, nhưng thực tế một số địa phương đã ban hành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An... Tuy nhiên, cũng chỉ là hỗ trợ lẻ tẻ ở một số đơn vị cân đối được ngân sách, còn những nơi khác chưa có điều kiện thực hiện.
“Chúng tôi mong muốn đi kèm với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa là hoàn thiện về chính sách nhằm động viên, phát huy hiệu quả đội ngũ văn nghệ sĩ và nghệ nhân không chuyên. Vừa qua, chúng ta tôn vinh đội ngũ nghệ nhân chỉ có tính chất tinh thần, tổ chức gặp mặt nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước động viên, khen thưởng. Tuy nhiên, để có chính sách hỗ trợ nghệ nhân yên tâm sáng tác, yên tâm trao truyền, yên tâm giảng dạy thì tiếp tục phải làm”, Bộ trưởng chia sẻ.
M.LÂM - N.HÂN