Xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, góp phần thu hút khách quốc tế
Chiều 5.6, Quốc hội khóa XV tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực VH-TT&DL.
Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chúng ta chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Phát biểu tranh luận với đại biểu (ĐB) Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) về phát triển du lịch phải giữ gìn bản sắc văn hóa, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng có khẳng định, du lịch cũng cần tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng bộ nhận diện du lịch Việt Nam như du lịch biển, đảo…
Tuy nhiên, ĐB Cảnh cho rằng, du lịch biển, đảo cũng chỉ là một dòng sản phẩm du lịch. Và ở quy mô quốc gia, chúng ta chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam để du lịch những năm tiếp theo hồi phục với tỷ lệ du khách quốc tế quay lại cao.
“Khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chúng ta chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách. Với trách nhiệm là lãnh đạo của ngành VH-TT&DL, đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm của mình về việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, góp phần hồi phục du lịch những năm tiếp theo”, ĐB Cảnh nói.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết hiện chưa có cơ sở pháp lý để công nhận bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, góp phần phục hồi du lịch là rất cần thiết. Theo Bộ trưởng, sau khi rà soát lại, cơ sở pháp lý để công nhận bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam hiện nay là chưa có. Đây là khoảng trống về mặt pháp lý.
Bộ trưởng Hùng cho hay, năm 2011, Thủ tướng có giao cho Bộ xây dựng bộ nhận diện quốc hoa. Bộ đã thực hiện xây dựng bộ nhận diện hoa sen để đề xuất, nhưng khi trình lên thì không ai đủ thẩm quyền để ký thẩm định.
Cũng tương tự, việc xây dựng nhận diện bộ lễ phục và quốc phục (bộ áo, quần truyền thống của dân tộc), Bộ cũng đã có nghiên cứu nhưng thấy rất khó khăn nên dừng lại.
“Chúng tôi rất chia sẻ với ĐB Cảnh, nhiều lần đại biểu mặc áo dài đi họp, tôi biết đại biểu rất trăn trở và muốn giữ bản sắc văn hóa. Chính vì vậy, tại buổi trả lời chất vấn hôm nay, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định để lấp khoảng trống về mặt pháp lý này. Có thể Quốc hội giao cho bộ nào đó hoặc đưa vào trong luật của Chính phủ về thẩm quyền công nhận bộ nhận diện bản sắc Việt Nam”, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
M.LÂM - N.HÂN