Thực hiện Nghị định 67: Góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển
Ngày 7.7.2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn với ưu đãi để đóng tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại nhằm vươn khơi bám biển khai thác thủy sản ở những vùng biển xa. Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai NĐ 67.
Thực hiện NĐ 67 của Chính phủ là điều kiện tốt để tỉnh ta phát triển ngành nghề thủy sản.
- Trong ảnh: Ngư dân huyện Hoài Nhơn đưa tàu cập Cảng cá Quy Nhơn để tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: T.SỸ
Đưa chính sách vào cuộc sống
Nhằm thực hiện có hiệu quả NĐ 67 của Chính phủ, ngày 27.8, UBND tỉnh đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác thực hiện NĐ 67. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương quán triệt sâu sắc và phổ biến sâu rộng các chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67 cho nhân dân biết. Toàn bộ 280 tàu khai thác thủy sản và 25 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được Bộ NN-PTNT phân bổ cho tỉnh ta theo tinh thần NĐ 67 cũng được tỉnh phân bổ cho các địa phương thực hiện. Trong đó, huyện Hoài Nhơn được tỉnh phân bổ 97 tàu khai thác thủy sản và 13 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; TP Quy Nhơn 60 tàu khai thác thủy sản và 5 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; Phù Mỹ 61 tàu khai thác thủy sản và 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; Phù Cát 57 tàu khai thác và 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; Tuy Phước 5 tàu khai thác thủy sản.
“Thực hiện tốt NĐ 67 của Chính phủ, ngành thủy sản của tỉnh ta sẽ phát triển bền vững hơn. Bởi vậy, cần phải quán triệt sâu sắc rằng, không được thực hiện NĐ 67 theo kiểu chạy theo phong trào, đã làm thì phải làm chắc và hiệu quả”
Chủ tịch UBND tỉnh LÊ HỮU LỘC
UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chính quyền các địa phương lựa chọn và hướng dẫn ngư dân làm hồ sơ đăng ký đóng mới tàu cá; lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị… phù hợp. Trong tháng 9 này, các địa phương tổ chức hội nghị triển khai NĐ 67; tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung NĐ 67 đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác thủy sản xa bờ. Ngoài Ban chỉ đạo và tổ công tác cấp tỉnh, 5 huyện, thành phố ven biển (Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn) cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67; thành lập tổ công tác thực hiện NĐ 67 tại các xã, phường trọng điểm. Trong tháng 10, các địa phương tổ chức giới thiệu, hướng dẫn 21 mẫu tàu cá được Bộ NN-PTNT phê duyệt cho ngư dân biết; củng cố, thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển; tổ chức đăng ký, lựa chọn chủ tàu tham gia đóng mới… gửi ngành chức năng và UBND tỉnh xem xét.
UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã ven biển hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện NĐ 67; báo cáo định kỳ hàng quý về UBND tỉnh để tỉnh kịp thời chỉ đạo. Các đơn vị: Sở Tài chính; Sở KH-ĐT; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định và các sở, ngành khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo quy định.
Thực hiện NĐ 67 phải chắc và hiệu quả
Tại hội nghị triển khai NĐ 67, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng, để các địa phương có cơ sở thực hiện tốt NĐ 67, tỉnh ta cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện NĐ cụ thể và chi tiết hơn. Bên cạnh đó, phân loại cụ thể số lượng tàu bằng vỏ sắt, tàu bằng vỏ gỗ, tàu bằng vật liệu mới composite, để các địa phương phổ biến cho dân biết đăng ký. Tỉnh cũng cần ưu tiên hỗ trợ cho các hộ thực hiện mô hình khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi để đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá và chỉ đạo Công ty cổ phần thủy sản Bình Định thu mua, đánh giá phân loại chất lượng cá ngừ đại dương phù hợp, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển phát triển sản xuất.
Lãnh đạo các huyện Phù Mỹ, Phù Cát đề nghị UBND tỉnh phân bổ ngân sách để hỗ trợ cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Các Sở, ngành của tỉnh hỗ trợ và giới thiệu các cơ sở đóng mới tàu thuyền có uy tín cho các địa phương để thông báo cho ngư dân biết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc nhấn mạnh: Thực hiện tốt NĐ 67 của Chính phủ, ngành thủy sản của tỉnh ta sẽ phát triển bền vững hơn. Bởi vậy, cần phải quán triệt sâu sắc rằng, không được thực hiện NĐ 67 theo kiểu chạy theo phong trào, đã làm thì phải làm chắc và hiệu quả. Để làm được điều đó, ngành chức năng, chính quyền các địa phương phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc NĐ 67 của Chính phủ và phổ biến sâu rộng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho dân biết. Đối với phần việc giới thiệu các cơ sở đóng tàu, UBND tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cho các địa phương và các cơ sở đóng tàu sẽ cung cấp mẫu tàu cho ngư dân, và ngư dân phải trực tiếp tham gia ý kiến và tự quyết định lựa chọn loại tàu phù hợp. Ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương phải hỗ trợ, tư vấn thêm cho ngư dân vấn đề này, không để ngư dân tự bơi. Việc lựa chọn đối tượng để hỗ trợ đóng tàu mới tàu cá cũng cần phải có sự lựa chọn kỹ, phải làm thí điểm trước, trong đó ưu tiên cho những ngư dân thực hiện mô hình khai thác, bảo quản, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi. Bên cạnh đó, hỗ trợ ngư dân sử dụng và phát huy được nguồn vốn vay để sản xuất đạt hiệu quả, vì ngư dân có ăn nên làm ra thì việc hoàn trả vốn vay cho các Ngân hàng thương mại sẽ thuận lợi hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cũng đã lưu ý ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển đội tàu dịch vụ nghề cá. Trong đó, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố ven biển lập các dự án đầu tư nâng cấp các cảng cá hiện có; huấn luyện cho ngư dân sử dụng thuần thục bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương đã được tỉnh hỗ trợ. Công ty cổ phần thủy sản Bình Định phải cử cán bộ đi đào tạo, học tập việc đánh giá chất lượng cá ngừ, đồng thời tổ chức thu mua sản phẩm của ngư dân với giá cao, nhằm kích thích ngư dân đóng mới tàu cá vươn khơi bám biển.
PHẠM TIẾN SỸ