Ngang nhiên khai thác đất sét trái phép
Dù UBND huyện Tây Sơn và ngành chức năng đã ban hành văn bản siết chặt, xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi khai thác đất sét trái phép, không phép; nhưng một cá nhân ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) vẫn ngang nhiên sử dụng máy đào khai thác đất sét đưa đi tiêu thụ.
“Ngủ ngày, cày đêm”
Gọi điện đến “đường dây nóng” Báo Bình Định, người dân ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú (Tây Sơn), phản ảnh: Thời gian gần đây, một người tên Tiến, ở khối Phú Văn, thị trấn Phú Phong đưa máy đào tới khu vực đồng ruộng có tục danh đồng Ông Diệm (thuộc thôn Phú Hiệp) để khai thác đất sét. Ban ngày, các phương tiện của ông Tiến đều “án binh bất động”, đến tầm 19 giờ trở đi, máy đào bắt đầu hoạt động khai thác đất sét, còn “đội quân” xe tải thì tấp nập chở đất đến nơi khác tiêu thụ. Để “che mắt thế gian”, ông Tiến vừa lấy đất sét tại khu vực đồng Ông Diệm, vừa chở các loại đất khác tới san lấp những hố sâu do hoạt động khai thác tạo ra. Bức xúc trước việc làm này, người dân thôn Phú Hiệp nhiều lần phản ánh tới UBND xã Tây Phú đề nghị ngăn chặn, xử lý. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, ông Tiến vẫn tiếp tục thực hiện trót lọt hành vi phi pháp.
Sáng 3.9, chúng tôi tìm về khu vực đồng Ông Diệm để kiểm chứng thông tin. Tại hiện trường, chiếc máy đào hiệu HITACHI số hiệu UHO25 như người dân phản ảnh đậu gần khu vực đồng ruộng với nhiều đám bị đào xới tung lên. Với hiện trạng này, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc khắc phục, cải tạo đồng ruộng để phục vụ cho hoạt động canh tác, sản xuất.
Ông L.X.T - người dân ở thôn Phú Hiệp, cho biết: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, hầu như đêm nào người ta cũng khai thác đất sét; máy đào, máy xúc gầm rú cả đêm, xe tải chở đất luôn chạy ầm ầm trên đường người dân ai cũng rất bức xúc, chỉ có xã là không biết!”.
Chính quyền xã thoái thác
Chiều 3.9, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tây Phú để xác minh phản ảnh của dân về chuyện khai thác đất sét trái phép tại đồng Ông Diệm. Đáng ngạc nhiên là ông Bình tỏ ra loanh quanh, liên tiếp tránh né bằng cách hỏi lại “ai khai thác?”, “khai thác ở đâu?”, “khai thác đất ruộng hay đất gì?”, “đất ruộng hiện do hộ gia đình nào sử dụng?”… Mãi đến khi tôi nói rõ vụ việc lần nữa với các thông tin chi tiết thì ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Việc khai thác đất sét tại khu vực đồng Ông Diệm là do ông Tiến thực hiện. Tôi cũng chỉ biết ông đó tên Tiến, chứ họ, tên cụ thể thế nào thì không rõ lắm. Hiện chưa có một cá nhân, đơn vị nào được ngành chức năng cấp phép để khai thác đất sét tại địa bàn xã Tây Phú”.
Chúng tôi thắc mắc, tại sao ông Tiến khai thác đất sét trái phép tại địa phương trong thời gian dài mà UBND xã chưa ngăn chặn, xử lý. Ông Bình trả lời: “Mỗi khi biết thông tin ông Tiến khai thác đất, xã cho lực lượng xuống hiện trường làm việc thì ông này cùng với các phương tiện máy đào, xe tải đều mất dạng nên không thể làm việc!?”. “Chỉ trong tích tắc mà cả người và các phương tiện to đùng đều mất dạng và không thể lùng ra?” - chúng tôi đặt câu hỏi. “Vậy mới tài! Mà thú thật, do các phương tiện (máy đào, xe tải-PV) có giá trị tài sản lớn nên nếu có bắt tại trận xã cũng không đủ thẩm quyền để xử lý, tạm giữ. Thẩm quyền này thuộc UBND huyện Tây Sơn và các phòng chức năng có liên quan”, ông Bình trả lời.
Như vậy, có thể thấy, ông Chủ tịch UBND xã Tây Phú đã đặt “trái bóng” trách nhiệm vào “chân” của UBND huyện Tây Sơn và các ngành chức năng có liên quan. Trong khi lẽ ra, UBND xã hoàn toàn có thể lập biên bản vi phạm đối với đương sự, giữ nguyên hiện trường và báo cáo lên trên. Cách xử lý vụ việc của ông chủ tịch UBND xã Tây Phú khiến chúng tôi cũng như người dân không khỏi hoài nghi.
Dư luận đang chờ xem lãnh đạo huyện Tây Sơn sẽ giải quyết vụ việc trên thế nào.
CÔNG LUẬN