Bất cập giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi phí
Nghị định 96/2018 của Chính phủ đã thay đổi cơ chế hỗ trợ, từ việc hỗ trợ thủy lợi phí chuyển sang hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, nhưng ngân sách Nhà nước hỗ trợ vẫn không thay đổi so với năm 2012, khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi.
Ngày 30.6.2018 Chính phủ ban hành Nghị định 96 quy định chi tiết giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, thay thế Nghị định 67/2012 về mức thu thủy lợi phí. Theo đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất cây lương thực và tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tiêu, thoát nước khu vực nông thôn, đô thị, trừ vùng nội thị.
Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định sửa chữa một số hạng mục trên tuyến kênh dẫn nước Văn Phong, tại địa bàn huyện Tây Sơn bị hư hỏng. Ảnh: T.SỸ
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương, các tỉnh trong đó có Bình Định phải xây dựng khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trình Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính xem xét, thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ Tài chính yêu cầu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bằng mức giá tối đa mức cấp bù thủy lợi phí đã áp dụng từ 12 năm trước theo Nghị định 67/2012. Bất cập hiện rõ khi lương cán bộ nhân viên, giá vật tư, vật liệu, trang thiết bị, xăng, dầu, điện… phục vụ công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi (CTTL) tăng rất nhiều, nhưng giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi lại không thay đổi, khiến đơn vị quản lý CTTL lâm vào cảnh khó khăn, đơn vị nào càng quản lý nhiều công trình thì khó khăn càng nặng.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định - đơn vị quản lý hầu hết các CTTL quy mô lớn (63 hồ chứa nước lớn nhỏ; đập dâng Văn Phong và 26 đập dâng lớn trên sông cùng hệ thống kênh mương dài 1.300 km, trên 5.000 công trình trên kênh) trên địa bàn tỉnh - cho hay: Do mức giá hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi quá thấp, nên số tiền được Nhà nước hỗ trợ không nhiều. Riêng năm 2023, Công ty được tỉnh giao đảm bảo tưới tiêu cho hơn 75.900 ha lúa, doanh thu từ sản phẩm dịch vụ thủy lợi và từ các dịch vụ khác được 66,113 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cứng cho công tác vận hành CTTL theo quy định (gồm tiền lương, các khoản bảo hiểm chi trả cho cán bộ, nhân viên) đã hết 45,988 tỷ đồng, số tiền còn lại chỉ đủ để đầu tư tu sửa một số hạng mục công trình nhỏ mang tính cấp bách. Hiện nay, có rất nhiều CTTL bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn, nhất là đối với 47 hồ chứa tại các địa phương mới được UBND tỉnh giao cho Công ty quản lý, tiềm ẩn nguy cơ sự cố, nhưng chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Vì thế, mỗi mùa mưa lũ đến, chính chúng tôi đây cũng thấp thỏm, lo âu không kém người dân sống trong vùng chịu tác động của công trình.
Tình cảnh của Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định cũng là thực trạng chung của các đơn vị quản lý CTTL khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Phù Mỹ - địa phương quản lý 26 hồ chứa nước, nhiều nhất trong nhóm các đơn vị cấp huyện.
Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, mức giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi đã quá lạc hậu, số hỗ trợ từ ngân sách Trung ương không đảm bảo cho việc nâng cấp, kiên cố hóa các CTTL trên địa bàn. Hiện có nhiều công trình thủy lợi đã xuống cấp, đặc biệt là các hồ chứa nước nhưng vẫn chưa có vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Năm 2021, Bộ Tài chính ban hành khung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi mới, làm cơ sở để các tỉnh xây dựng giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo thực tế từng địa phương trình Bộ Tài chính thẩm định. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại yêu cầu mức giá vẫn như nhiều năm trước, nên nhiều tỉnh, thành trong đó có Bình Định có ý kiến. Bộ Tài chính cho rằng, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương rất lớn, nếu tăng giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề quan trọng khác. Vì thế, suốt một thời gian dài nguồn thu không tăng, trong khi tiền lương và chi phí đầu vào tăng, khiến các đơn vị quản lý CTTL trên cả nước nói chung, Bình Định nói riêng gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, trước mắt để đảm bảo an toàn hồ chứa, hàng năm Sở Tài chính và Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để tu sửa các CTTL đã bị hư hỏng, đảm bảo tưới tiêu. Nghị định số 96/2018 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vì thế, mới đây Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 96/2018 của Chính phủ.
Hy vọng nghị định mới sớm ra đời, giải quyết những bất cập để “gỡ khó” cho các đơn vị quản lý CTTL, sớm ổn định hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
PHẠM TIẾN SỸ