Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ XVII - năm 2024: Sôi nổi, thắm tình đoàn kết
Trong 2 ngày đầu diễn ra Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ XVII - năm 2024 (5 - 6.6), các hoạt động đã tạo không khí sôi động, thu hút khá đông khán giả đến xem, cổ vũ, góp phần quảng bá bản sắc riêng của từng dân tộc.
Ấn tượng các môn thể thao
Qua 2 ngày diễn ra, người dân được dịp chứng kiến những màn thi đấu đẹp mắt, lôi cuốn các môn thể thao diễn ra tại Ngày hội, như: Bóng đá nam, bóng đá nữ, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy. Ở nhiều nội dung, các đơn vị đã cho thấy sự tiến bộ về chuyên môn, đầu tư bài bản về kỹ thuật thi đấu, khiến cuộc cạnh tranh thứ hạng tốp đầu trở nên căng thẳng, kịch tính.
Các nội dung thi đấu thể thao tại Ngày hội diễn ra hấp dẫn.
- Trong ảnh: Các VĐV thi đấu nội dung đứng bắn nam môn bắn nỏ. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Lần đầu tiên tham gia Ngày hội, thi đấu môn bắn nỏ, chị Đinh Thị Thống, VĐV đoàn Vĩnh Thạnh, bày tỏ: “Đến với ngày hội cá nhân tôi và đơn vị Vĩnh Thạnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây là môn thi đấu không quá khó nhưng cần có sự tập trung, yêu cầu người thi phải có kỹ thuật ngắm thật chuẩn xác. Tôi đã tập luyện hơn 2 tuần trước khi tham gia”.
Đến xem thi đấu bóng đá, anh Nguyễn Văn Thái (ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) hào hứng: “Năm nay các đơn vị tham gia thi đấu rất hay, những pha đi bóng cho thấy kỹ thuật điêu luyện của các cầu thủ. Tôi đặc biệt ấn tượng với trận đấu vòng loại giữa đội Tây Sơn và đội An Lão”.
Ông Lục Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, đánh giá: Nhìn chung qua hai ngày thi đấu, các đoàn tham dự đều có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn, tham gia tích cực, sôi nổi. Trong đó, một số đội có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, tiến bộ nhiều về chuyên môn. Đặc biệt, năm nay có sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, nhiệt huyết, tạo nên sự cạnh tranh hấp dẫn ở các nội dung thi đấu. Ngày hội tạo điều kiện để các đơn vị giao lưu, kết nối; đồng thời, tuyển chọn lực lượng VĐV cho nhiều giải đấu lớn sắp tới.
Đậm đà bản sắc văn hóa
Phần thi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của 6 đoàn VH-TT các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát, An Lão khiến đêm khai mạc Ngày hội (tối 5.6) trở nên lung linh sắc màu văn hóa, thắm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc lẫn người xem. Tiết mục mở màn Hội làng của đoàn diễn viên, nghệ nhân Chăm H’roi huyện Vân Canh cuốn hút người xem với những thanh âm rộn rã của dàn hòa tấu cồng 3, chinh 5, trống kơ toang, chập chã, xà reo, múa xoang, đơn ca, hát múa tập thể như lời reo vui buôn làng vào hội, mời gọi du khách hòa cùng Ngày hội.
Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị đảm bảo yếu tố sáng tạo trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương, đoàn VH-TT huyện Vân Canh, chia sẻ: “Ngày hội là dịp để cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thắt chặt thêm tình đoàn kết, cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đáng mừng tại Ngày hội lần này, phần lớn lực lượng các đoàn tham gia là lớp trẻ”.
Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật của các đoàn Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát, An Lão bám sát chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, quê hương, con người Bình Định, gắn với thông điệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Võ Chí Hà, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân, cho biết: “Chúng tôi xây dựng chương trình nghệ thuật với chủ đề Âm vang Bà Bơi, muốn nói lên thông điệp phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương Hoài Ân. Đặc biệt năm nay, lực lượng diễn viên tham gia hát, múa lần này đều trẻ; tiết mục múa Lung linh sắc màu thổ cẩm cũng do các nghệ nhân, diễn viên ở địa phương tự dàn dựng”.
“Ngày hội diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến không thuận lợi, nắng nóng gay gắt, nhưng chiều lại có mưa giông, song với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức cũng như các đoàn tham gia đã thể hiện được tinh thần phấn khởi, nhiệt tình của các nghệ nhân, diễn viên, VĐV tham gia Ngày hội tạo nhiều cảm xúc lắng đọng, ấn tượng”.
Ông HUỲNH VĂN LỢI, Phó Giám đốc Sở VH&TT - Phó trưởng Ban tổ chức Ngày hội
Không gian nhà trại cũng được các đoàn đầu tư dựng theo phong tục, tập quán với nét kiến trúc nhà rông đặc trưng của đồng bào Chăm H’roi, Bana, H’re. Trong không gian hội trại đa sắc màu, sáng 6.6, đông đảo người xem được thưởng thức những tiết mục diễn tấu cồng chiêng, trình diễn lễ hội dân gian mang đậm nét đặc trưng riêng của từng đồng bào dân tộc thiểu số qua sự tái hiện Lễ hội cúng thần làng của người Chăm H’roi huyện Vân Canh, người H’re huyện An Lão; lễ cưới của người Bana huyện Hoài Ân, lễ cúng kết nghĩa anh em khi trùng tên của người Bana K’riêm huyện Vĩnh Thạnh, lễ tạ ơn giàng của người Bana huyện Tây Sơn, lễ cúng được mùa của người Bana huyện Phù Cát.
Theo dõi các hoạt động tại Ngày hội, chị Đinh Thị Lúi, ở xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, hào hứng: “Lâu rồi ở đây mới có Ngày hội lớn như vậy. Không khí rộn ràng, vui tươi, bà con ở đây thích lắm. Được xem nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật độc đáo, tham quan chụp ảnh các nhà trại làm rất đẹp, các môn thi đấu thể thao hấp dẫn. Tôi xem không bỏ sót sự kiện nào diễn ra tại Ngày hội”.
NGỌC NHUẬN - HỒ ÐIỂM