Ðặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm phục vụ
Chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương quán triệt cách thức xử lý công việc, không đùn đẩy trách nhiệm, tập trung tạo thuận lợi cho người dân và DN, đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm phục vụ.
Hội nghị được UBND tỉnh tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, ngày 7.6. Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Thanh, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi; Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.H
Kỳ vọng từ các động lực tăng trưởng
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh 6 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; thứ 1/5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung).
Tốc độ tăng trưởng các lĩnh vực hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,58%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,33% (riêng công nghiệp tăng 11,6%); dịch vụ tăng 8,16%; thuế tăng 8,43%.
6/11 địa phương hoàn thành chỉ tiêu giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát). Trong 5 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu, thấp nhất là An Lão (tăng 5,96%), Vĩnh Thạnh (tăng 6,19%).
Những kết quả quan trọng trên được đánh giá là khả quan cho kịch bản tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt 7,4 - 8,3% để hoàn thành GRDP cả năm 7,5 - 8% theo kế hoạch.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đưa ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới. Đáng chú ý là tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp tích nước tại các hồ chứa gắn với phương án điều tiết nước tưới để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong mùa khô hạn sắp đến; triển khai kịp thời, hiệu quả phương thức vận hành hệ thống điện để đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cao điểm mùa khô. Rà soát, điều chỉnh kịch bản thu ngân sách theo từng tháng, đảm bảo thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được HĐND tỉnh giao. Chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện có liên quan để tổ chức tốt Lễ hội du lịch Bình Định năm 2024; các giải đấu thể thao... Khẩn trương thực hiện lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định. Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án đầu tư ngoài nhà nước…
6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 11,6%; nhiều ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh như gỗ, may mặc... tăng khá.
- Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn). Ảnh: TIẾN SỸ
Có tình trạng sợ sai, “bình chân như vại”
Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của các khu vực kinh tế hầu hết đều cao hơn so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng nói thẳng, ở những lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng thì làm chưa tốt.
Trong thu hút đầu tư, 6 tháng đầu năm cả tỉnh chỉ mới thu hút 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.960 tỷ đồng; chỉ có 5/11 địa phương thu hút được dự án đầu tư, còn 6 địa phương tới nay chưa thu hút được dự án nào. Trong đó, 4 nguyên nhân chính là địa phương chưa quan tâm thực hiện chỉ tiêu UBND tỉnh giao; chưa quản lý được giá thuê đất nên vẫn còn nhiều dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; một số địa phương vẫn thụ động, “bình chân như vại”, chỉ khi nào nhà đầu tư đến thì mới giới thiệu.
Thu ngân sách nhà nước mới đạt 42,3% (chỉ tiêu 6 tháng phải đạt trên 50%). Giải ngân đầu tư công hiện mới đạt 35,68%, trong khi mục tiêu đề ra đến tháng 9 phải đạt tỷ lệ giải ngân 60% và hoàn thành giải ngân hết vốn đến cuối năm.
“Nổi lên 6 tháng đầu năm là công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm đang rất nóng. Tình trạng cháy rừng diễn biến phức tạp, trong khi công tác quản lý còn chủ quan”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nói.
Nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đảm bảo cho sản xuất của ngành nông nghiệp thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc đề nghị các địa phương không được chủ quan “khoán trắng” công tác PCCC rừng cho lực lượng kiểm lâm. Đặc biệt, tồn tại lớn nhất hiện nay của tỉnh trên lĩnh vực thủy sản là chống khai thác IUU, dù rất quyết liệt nhưng vẫn còn 1.066 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm; đến nay có 8 tàu cá của tỉnh vi phạm.
Trong khi đó, Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng nêu thực tế 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh có 198 dự án triển khai, nhưng mới đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng khoảng 23%. “Đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác này. Có 2 khâu chậm trễ, đó là xác nhận nguồn gốc đất thuộc về cấp xã, có tình trạng “e dè”, “sợ sai”…”, ông Tùng nói.
Đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm phục vụ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các địa phương, sở, ngành rà soát lại những vấn đề vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã được nhận diện để có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, tập trung nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu phát triển KT-XH tỉnh giao năm 2024.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT cùng các địa phương thực hiện kế hoạch điều tiết đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ Hè Thu thắng lợi; phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, phải xác định PCCC rừng là nhiệm vụ cấp bách, vì vậy phải rà soát, lên phương án cụ thể và tinh thần cảnh giác. Trong công tác phòng, chống khai thác IUU, đến giữa tháng 6 này phải dứt điểm thống kê và cấp phép cho tàu cá “3 không”, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu từ 12 - 15 m.
Trên lĩnh vực TN&MT, lãnh đạo tỉnh lưu ý Sở TN&MT và các địa phương thực hiện tốt việc thu gom rác thải sinh hoạt ở nông thôn và đô thị. Tập trung quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt Sở TN&MT xử lý sát việc này, lực lượng CA cũng phải vào cuộc. Sở TN&MT thành lập ngay tổ công tác để tham mưu cho tỉnh triển khai những việc liên quan đến Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8.2024…
Sở Công Thương làm đầu mối tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ các dự án đang đầu tư sớm đi vào hoạt động, tạo giá trị gia tăng và chỉ số sản xuất công nghiệp. Chuẩn bị cho đối thoại với DN và hội nghị thương nhân hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024…
Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh tăng cường công tác thu ngân sách; rà soát các sắc thuế thu từ các lĩnh vực còn dư địa… Sở KH&ĐT tập trung triển khai thu hút đầu tư; cùng với các ngành, địa phương, đơn vị phối hợp giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và định hướng cho thời gian tới.
Đề cập vấn đề “an toàn” để phát triển du lịch, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu Sở GTVT tập trung quản lý phương tiện vận tải, hạ tầng giao thông; khảo sát ngay việc bố trí bãi đỗ ô tô trên địa bàn TP Quy Nhơn; kiểm tra thông tin dịch vụ taxi, xe điện “chặt chém” du khách, và phải làm nghiêm vấn đề này. Sở Du lịch lưu ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ và đảm bảo an toàn cho du khách. UBND TP Quy Nhơn cũng phải phối hợp với Sở Du lịch xem xét lại toàn bộ hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cho cao điểm mùa lễ hội du lịch từ tháng 6 - 8.2024…
MAI HOÀNG