Gieo “hạt giống” tín dụng chính sách tại thôn đặc biệt khó khăn
Sau 2 năm triển khai đưa vốn tín dụng CSXH về với thôn O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh), nhận thức về vay vốn của người dân tộc thiểu số nơi đây đã được nâng lên. Nỗ lực bao phủ vốn vay CSXH về với các thôn, làng đặc biệt như O2 thể hiện quyết tâm của Ngân hàng CSXH và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Những bước đi đầu tiên
O2 là thôn đặc biệt nhất của huyện Vĩnh Thạnh. Nằm biệt lập giữa rừng núi, O2 cách trung tâm xã Vĩnh Kim hơn 2 giờ đi bộ đường rừng. Song, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ có thu nhập thấp, nhiều khó khăn để tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thúc đẩy chính sách tín dụng ưu đãi tại thôn.
Cuối tháng 4.2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh phối hợp cùng Trung tâm VH-TT&TT huyện, Hội Nông dân xã Vĩnh Kim trực tiếp đến thôn O2 để tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
“Sau khi tuyên truyền, nhận thức của bà con đã chuyển biến. Từ việc không biết vay vốn để làm gì, sợ nợ nần, bà con đã quan tâm tìm hiểu. Ngày 5.5.2022, lần đầu tiên triển khai giải ngân vốn đối với người dân thôn O2, đã có 6/48 hộ đăng ký vay vốn với tổng số tiền giải ngân 135 triệu đồng”, ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
Những bước đi đầu tiên ấy được ví như việc khai hoang, gieo hạt giống trên mảnh đất mới. Để rồi mầm xanh mới trong cách nghĩ, cách làm, cách vươn lên của một bộ phận người Bana ngày một xanh tươi.
Anh Đinh Nhiếp (42 tuổi, 1 trong 6 hộ vay vốn đầu tiên) đã được giải ngân 35 triệu đồng từ chương trình vay hộ cận nghèo. Từ số vốn này, anh mua 2 con bò giống. Đến nay, đàn bò đã được 5 con. Đây là “vốn liếng” để gia đình anh từng bước vươn lên, ra khỏi diện cận nghèo.
Chị Đinh Thị Kem (29 tuổi) cũng vay 30 triệu đồng vốn tín dụng chính sách từ chương trình vay hộ nghèo để chăn nuôi bò. Đến nay, gia đình chị đã trả nợ được 20 triệu đồng. Từ 2 con bò ban đầu, sau 2 năm, đã tăng lên 4 con. Lúc đầu, chị Kem rất ngại vay vốn vì lo làm ăn không hiệu quả, lấy đâu tiền trả nợ ngân hàng. Nhưng được chính quyền địa phương tuyên truyền, chị hiểu đây là chính sách của Đảng, Nhà nước để mình mượn vốn với lãi suất rất thấp để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.
“Được cán bộ địa phương hướng dẫn, tôi đem vốn vay đi mua bò. Nuôi bò phù hợp núi rừng ở mình, cũng ít dịch bệnh. Giá bò cũng khá hơn các con vật nuôi khác để mình có thể để dành tiền mở rộng chăn nuôi”, chị Kem nói.
Người dân thôn O2 tham gia phiên giao dịch vay vốn của Ngân hàng CSXH tháng 5.2024 tổ chức tại UBND xã Vĩnh Kim. Ảnh: ĐVCC
Thay đổi cách nghĩ
Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh đã giải ngân 790 triệu đồng cho 31 lượt hộ vay thuộc địa bàn thôn O2. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo là 360 triệu đồng/16 hộ, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã giải ngân 105 triệu đồng/2 hộ, chương trình cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 175 triệu đồng/6 hộ.
Theo ông Lương Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, do chưa có đường sá thuận lợi, giao thương còn lắm cách trở nên việc mua bán hàng hóa của người dân làng O2 ra bên ngoài và ngược lại rất hạn chế, chủ yếu là tự cung tự cấp. Sau khi triển khai chương trình vay vốn, hầu hết bà con chọn chăn nuôi bò, heo, gà vịt. Trong đó, nuôi bò được cho là phù hợp và hiệu quả hơn cả.
Chính quyền địa phương thường xuyên liên lạc, nắm bắt thông tin để hỗ trợ kiến thức chăn nuôi, phòng dịch bệnh cho hộ vay vốn đang chăn nuôi. Đến nay, nhiều hộ vay đã dắt bò xuống trung tâm xã để bán những lứa bò đầu tiên, tiếp tục nhân giống, phát triển đàn bò để buôn bán trong tương lai.
“Việc đưa vốn vay CSXH về với một địa bàn đặc thù như O2 rất có ý nghĩa. Trước hết là thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của bà con, để bà con quan tâm đến một cách làm mới là mượn vốn với lãi suất rất ưu đãi để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Từ việc không dám vay, không biết vay để làm gì, đến nay, gần 50% số hộ dân của thôn O2 đã tiếp cận vốn vay. Đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Nghị nói thêm.
NGUYỄN MUỘI