Vùng Baltic: Ðiểm nóng mới trong tương lai?
Gotland, hòn đảo thuộc Thụy Ðiển nằm trên biển Baltic và gần vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, là một điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nhiều thập kỷ qua, nhưng Tư lệnh tối cao các LLVT Thụy Ðiển Micael Byden tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin “đã để mắt” đến hòn đảo này.
Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga công bố một dự thảo sắc lệnh, đề xuất điều chỉnh ranh giới lãnh hải ở phía Đông vịnh Phần Lan và Kaliningrad, vốn đã được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thiết lập năm 1985.
Vị trí quan trọng của Gotland
Gotland giữ một vị trí quan trọng chiến lược ở giữa Biển Baltic và chỉ cách căn cứ hạm đội Baltic của Nga 300 km. Sau khi Thụy Điển gia nhập NATO, hòn đảo này góp phần gia tăng và duy trì năng lực quân sự của liên minh này ở khu vực Biển Baltic, đồng thời cũng tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định trong hệ thống phòng thủ của Estonia, Latvia, Litva, Phần Lan và Ba Lan. Cũng bởi tầm quan trọng chiến lược của Gotland nên Thụy Điển duy trì sự hiện diện quân sự trên hòn đảo này trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 2005, Gotland được phi quân sự hóa để thúc đẩy hòa bình và hợp tác ở vùng Baltic.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Thụy Điển tái triển khai 150 binh sĩ thường trực tại Gotland vào năm 2016 và nâng lên 400 quân sau đó 2 năm, cũng như trang bị thêm xe bọc thép CV90 và xe tăng Leopard 2. Năm 2021, nước này còn kích hoạt lại hệ thống phòng không. Sau khi xảy ra chiến sự giữa Nga và Ukraine vào năm 2022, Thụy Điển chi 160 triệu USD để tăng cường phòng thủ trên đảo Gotland. Tháng 4.2023, quân đội nước này tiến hành đợt tập trận lớn nhất sau 25 năm cùng với Ba Lan và Anh.
Theo tướng Micael Byden, việc tăng cường phòng thủ cho đảo Gotland là để ngăn chặn các mối đe dọa lớn hơn từ Nga nhằm vào các nước NATO từ đường biển. Khoảng cách địa lý ở vùng Baltic là tương đối nhỏ nên nếu Nga chiếm được Gotland thì có thể kiểm soát cả vùng Biển Baltic. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho phương Tây trong việc hỗ trợ các nước vùng Baltic bằng đường biển hay đường không.
Litva, vốn giáp biên giới với cả vùng Kaliningrad (Nga) và Belarus, cũng lo ngại nguy cơ bị tấn công và cô lập khỏi phần còn lại của vùng Baltic. Mặc dù điện Kremlin phủ nhận bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến khu vực này, nhưng Litva cho rằng, việc Bộ Quốc phòng Nga công bố dự thảo trên cũng có thể là chiến thuật hăm dọa khác của Moskva.
Bản đồ Thụy Điển với đảo Gotland. Ảnh: Shutterstock
Cuộc chiến trong bóng tối ở Baltic
Năm nay, Biển Baltic trở thành khu vực căng thẳng. Các tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng đêm” của Nga thường hiện diện ngay ngoài khơi gần vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. Hạm đội này bao gồm khoảng 1.400 tàu, vốn không chính thức thuộc biên chế quân đội Nga nên Thụy Điển không thể làm gì được. Số tàu này được cho là đang thực hiện các hoạt động theo chiến lược “bên miệng hố chiến tranh”. Vì vậy, hồi tháng 3.2024, Thủ tướng Thụy Điển phải thông báo công dân nước này cần phải chuẩn bị cho chiến tranh.
Hiện không rõ liệu các hoạt động trên có phải là một phần của cuộc chiến trong bóng tối của Nga nhằm chia rẽ và răn đe phương Tây, hay liệu đây là hành động khởi đầu cho một cuộc chiến thực sự mà chắc chắn sẽ xảy ra nếu Nga tấn công Gotland.
Với tư cách là thành viên của NATO, Thụy Điển sẽ được các thành viên bảo vệ nếu nước này bị tấn công. Về phần mình, Thụy Điển cũng sở hữu hạm đội tàu ngầm và lực lượng không quân hiện đại, cũng như cơ sở phòng thủ với công nghệ tiên tiến.
Khó có thể dự báo liệu năng lực quân sự của Thụy Điển đủ khả năng chống chọi với Nga hay không. Hiện tại, dường như Nga vẫn chưa lộ rõ ý định đối với vùng Baltic, khu vực chứa đựng cả điểm mạnh và điểm yếu của NATO. Kết quả là, vùng Baltic đang trở thành “sân chơi” trong cuộc chiến bóng tối của Nga.
LÊ QUẢNG (Theo The Conversation)