Quảng bá và đưa hát bội, bài chòi vào trường học: Tăng trải nghiệm thực
Thông qua việc tổ chức chương trình trải nghiệm nghệ thuật truyền thống cho học sinh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã quảng bá nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian, dân ca bài chòi, giúp giới trẻ thêm yêu sân khấu nghệ thuật truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương Bình Ðịnh.
Thành công từ chương trình trải nghiệm nghệ thuật truyền thống cho học sinh diễn ra vào sáng 27.5 vừa qua, tại Trường THCS Phước Lộc (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) là dấu hiệu đáng mừng.
Học sinh hào hứng, nghệ sĩ mừng vui
Tại chương trình, các em học sinh từ khối lớp 6 - 8 được nghe soạn giả Đoàn Thanh Tâm, NSND Phương Thảo, NSƯT Kim Châu, NSƯT Tấn Hào giao lưu, giới thiệu về nghệ thuật hát bội, dân ca bài chòi. Không khí rộn rã hơn khi các em được xem biểu diễn trích đoạn hát bội Nhị khí Chu Du và dân ca bài chòi Đêm Phú Xuân, do nghệ sĩ Đoàn tuồng Đào Tấn, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn.
Soạn giả Đoàn Thanh Tâm chia sẻ: “Những chương trình giao lưu với học sinh để giới thiệu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật hát bội, bài chòi như thế này rất ý nghĩa. Tôi mong chương trình này sẽ được nhân rộng đến các trường học trên địa bàn tỉnh. Những trải nghiệm thực, gần gũi, xác thực giúp học sinh hiểu sâu hơn về di sản văn hóa của Bình Định, góp phần tiếp thêm tình yêu di sản cho giới trẻ”.
Với sự dẫn dắt vui tươi, lôi cuốn, các em đã tham gia giao lưu, hô những câu thai bài chòi dân gian; tương tác với nghệ sĩ, nghệ nhân qua những câu hỏi về nhạc cụ sử dụng trong hát bội, bài chòi; tìm hiểu điểm khác biệt giữa bài chòi dân gian và dân ca bài chòi…
Em Phạm Hà Gia Hân, học sinh lớp 7A2, rất tự tin lên sân khấu giao lưu, hô bài chòi. Em Hân nói: “Trước đây có các cô, chú trong CLB Bài chòi huyện Tuy Phước về tập huấn hô bài chòi. Hôm nay lại được xem hát bội, bài chòi tại trường, em thấy yêu văn hóa, văn nghệ nhiều hơn và sẽ tham gia tích cực phong trào văn nghệ của trường, cũng như chung tay giữ gìn di sản văn hóa quê hương mình”.
Nhiều học sinh khác cũng thấy bổ ích khi trải nghiệm chương trình thực tế tại trường để hiểu biết thêm về di sản văn hóa. Em Lê Phan Bảo Châu, học sinh lớp 8A1, bày tỏ: “Buổi trải nghiệm tạo cơ hội cho chúng em được trò chuyện vui vẻ với các nghệ sĩ, nghệ nhân, vừa được xem biểu diễn sinh động để hiểu sâu hơn về nét đẹp di sản văn hóa của Bình Định, giúp em bổ sung nhiều kiến thức trong việc học”.
Học sinh Trường THCS Phước Lộc hào hứng xem hát bội, bài chòi tại trường. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Quảng bá di sản văn hóa Bình Định
Theo NSND Phương Thảo, hoạt động trải nghiệm này cũng là cách giúp khán giả trẻ, đặc biệt là học sinh tiếp cận thực tế sinh động, gần gũi, góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống của Bình Định. Thông qua những chương trình này sẽ có những em đam mê và theo đuổi nghệ thuật truyền thống để có lớp nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ kế cận thực hành di sản văn hóa của cha ông.
Xúc động khi các em học sinh tham gia chương trình đầy hào hứng, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Tôi vui không chỉ vì các em quan tâm, lắng nghe, tương tác với các nghệ sĩ, nghệ nhân, mà càng xúc động hơn khi thấy các em dành sự quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với nhà trường tổ chức những tiết học ngoại khóa giới thiệu, tập huấn hô bài chòi dân gian tại trường để tiếp thêm tình yêu di sản bài chòi dân gian cho học sinh”.
Ngay trong lần đầu tiên phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức một chương trình mang ý nghĩa thiết thực và thành công ngoài mong đợi, ông Mai Văn Em, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: “Tôi rất vui mừng và vinh dự khi Trường THCS Phước Lộc được chọn triển khai làm điểm việc vận dụng chương trình giáo dục địa phương cho học sinh thông qua chương trình trải nghiệm nghệ thuật sân khấu truyền thống. Để chương trình giáo dục địa phương về nghệ thuật truyền thống đạt được kết quả như mong đợi và phát triển bền vững, tạo ra thế hệ nối tiếp nắm giữ, phát huy giá trị di sản, chúng tôi mong Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường thành lập CLB Em yêu nghệ thuật truyền thống”.
Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm nghệ thuật truyền thống cho học sinh cũng là nhiệm vụ được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thực hiện theo kế hoạch ký kết phối hợp giữa Sở VH&TT và Sở GD&ĐT thực hiện chương trình học tập, giáo dục truyền thống nghệ thuật sân khấu hát bội, bài chòi trong và ngoài nhà trường, giai đoạn 2023 - 2026.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức thêm nhiều hoạt động tương tự, cũng như hỗ trợ thành lập các CLB Em yêu nghệ thuật truyền thống trong và ngoài nhà trường, nhằm tạo sức lan tỏa, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục học sinh, công chúng trong giữ gìn giá trị nghệ thuật hát bội, bài chòi. Lâu dài sẽ nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật truyền thống cho học sinh, phát hiện và bồi dưỡng các em có năng khiếu định hướng nghề nghiệp, hướng tới việc tạo nguồn nhân lực bền vững cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN