Hồi sinh những ngọn gió
Ông Trần Quang Bình (58 tuổi, ở số 55 Lê Thánh Tôn, TP Quy Nhơn) gắn bó với nghề sửa quạt điện hơn 35 năm. Nhờ luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi nên ông sửa được rất nhiều loại quạt từ đời xưa đến đời mới của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Quang Bình sửa một quạt trần có xuất xứ Thái Lan, đã hư hỏng sau nhiều năm sử dụng. Ảnh: H.THU
Có những loại quạt xuất xứ từ Nhật, Mỹ, Ý… từ cách đây 50 - 60 năm, lớp thợ sau này ít kinh nghiệm thường không sửa được, nên nhiều khách đã tìm đến thợ lâu năm như ông Bình. Cũng có những loại quạt xưa mà những người buôn bán đồ cũ hoặc người chủ thấy hư hỏng nặng quá bèn “bán xác”, ông Bình “mua của người chán bán cho người thích”.
Theo ông Bình, thường người khá giả chỉ đem đi sửa “một nước” khi quạt hư lần đầu tiên, hư lần thứ hai thì họ bỏ; còn người ít có điều kiện kinh tế thì sửa quạt đôi ba lần; người khó khăn hơn nữa thì sửa nhiều lần nên thợ biết hoàn cảnh chỉ lấy ít tiền công.
“Cũng có những quạt lâu năm, hư hỏng nhiều nên sửa lại tốn kém, tôi khuyên mua quạt mới nhưng khách vẫn sửa, bởi họ có sự hoài niệm, muốn lưu giữ vật dụng từ thời ông bà, bố mẹ dùng để lại, hoặc là quạt họ được tặng trong một dịp đáng nhớ nào đó”, ông Bình kể.
Ông Nguyễn Tấn Phong (58 tuổi, ở số 91 đường 31/3, TP Quy Nhơn) cũng gắn bó với nghề sửa quạt điện 35 năm qua. Được đào tạo bài bản trung cấp kỹ thuật cơ điện, nhưng để bám trụ lâu dài với nghề, ông Phong không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức để có thể sửa được nhiều loại quạt từ đời cũ đến đời mới.
Ông Nguyễn Tấn Phong đang sửa quạt tại nhà. Ảnh: H.THU
“Cũng như muốn làm bánh thì phải có bột, muốn làm nghề tốt phải có nền tảng kiến thức. Nếu kiểu “thợ vườn” học chưa đến nơi đến chốn, biết chút đỉnh rồi làm theo thì không bài bản, có những loại quạt không sửa được”, ông Phong nhìn nhận.
Theo ông Phong, một số loại quạt đời mới bây giờ độ bền không bằng các loại quạt thời trước, dễ hư hỏng hơn. Cùng với đó là nhiều người vẫn thích dùng các loại quạt cũ, nên những người có tay nghề, uy tín vẫn sống được với nghề sửa quạt.
“Tôi có kho quạt cũ mua để dành sửa phục hồi, hoặc khi nào khách sửa quạt cần linh kiện mà ngoài thị trường không có bán thì mình lấy thay thế, đáp ứng nhu cầu của khách”, ông Phong cho biết.
Ông Thái Thanh Tùng được nhiều khách hàng biết đến sau 14 năm sửa quạt. Ảnh: H.THU
Ông Thái Thanh Tùng (65 tuổi, ở đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) từ thợ sửa tivi lâu năm rẽ sang nghề sửa quạt, đến nay được 14 năm. Điểm mạnh của ông là sửa quạt có mạch điện tử mà theo ông là đơn giản hơn nhiều so với sửa bo mạch tivi, nên ông được nhiều thợ khác tin tưởng liên kết, chuyển cho sửa phần hư hỏng điện tử của quạt mà họ không làm được.
“Tôi được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đem các loại quạt đến sửa, bận rộn hằng ngày làm không hết việc. Vậy mà không thấy ngán, lại còn hứng thú mua nhiều loại quạt Nhật xưa cũ chỉ để chơi, hiện chất đầy trên gác nhà”, ông Tùng chia sẻ.
HOÀI THU