Giúp trẻ hiểu về... “chuyện khó nói”
Những buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản tại các trường học và cho trẻ vị thành niên tại TP Quy Nhơn được TTYT thành phố phối hợp với trường học, địa phương tổ chức trang bị kiến thức rất quan trọng, giúp các em hiểu về… “chuyện khó nói”, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân.
Hứng thú tìm hiểu “chuyện khó nói”
Hội trường có khoảng 120 học sinh khối lớp 9, 10, 11 của Trường Tiểu học, THCS & THPT iSchool Quy Nhơn hôm diễn ra hoạt động ngoại khóa tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên và tiền hôn nhân cuối tháng 5.2024 khá sôi động. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Phòng Dân số - Truyền thông giáo dục sức khỏe (TTYT TP Quy Nhơn) khuyến khích học sinh nêu chuyện khó nói ngay tại chỗ, hoặc viết nội dung những thắc mắc vào tờ giấy rồi chuyển cho mình mà không cần ghi tên người hỏi. Sau đó là trò chơi có thưởng với những câu hỏi trắc nghiệm về giới tính, sức khỏe sinh sản.
Học sinh iSchool Quy Nhơn tích cực tham gia trả lời phần hỏi đáp trong buổi tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, tiền hôn nhân. Ảnh: M.H
Buổi tuyên truyền sôi động hẳn khi chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ đến nội dung sức khỏe tình dục thì một nam sinh lớp 10 đặt câu hỏi: “Thủ dâm có phải là chuyện xấu không, có hại không?”, “Những hành động âu yếm giữa bạn nam và nữ có gây ra vấn đề gì không?”. Một nữ sinh lớp 11 hỏi rằng: “Khi xảy ra quan hệ tình dục, bạn nam “rút” ra sớm thì có an toàn không?”…
Ông Nguyễn Anh Tuấn chốt lại bằng các thông tin chính xác và mở ra giải pháp. Thủ dâm chẳng có gì là xấu, nhưng nếu lạm dụng thì sẽ có hại sức khỏe. Để không nghĩ đến chuyện thủ dâm, các em cần tăng cường vận động, dùng năng lượng vào những môn thể thao yêu thích... Còn xuất tinh ngoài là biện pháp tương đối an toàn với những người có kiến thức, hiểu biết và có kỹ năng trong quan hệ tình dục, tuy nhiên không phải ai cũng có thể có kỹ năng này, nhất là các bạn ở lứa tuổi vị thành niên…
Sau buổi tư vấn, Trần Thị Thu Ngân (lớp 9A1) cho biết: Ban đầu cả lớp cũng ngại, nhưng tham gia rồi thì thoải mái hơn! Em có nơi để thổ lộ ngay (vì có thể ghi thắc mắc ra giấy và đưa cho chuyên gia), chuyên gia sẽ trả lời tất cả nên tụi em được giải tỏa. Học vui mà biết thêm nhiều điều hữu ích.
Còn Phan Nguyễn Minh Hiếu (lớp 11A1) nói rằng: Tuổi bọn em cần phải biết an toàn khi quan hệ tình dục, hay chuyện khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi bước vào mối quan hệ chính đáng. Những buổi học như thế này là cần thiết lắm. Bọn em được giải tỏa thắc mắc, mạnh dạn nói ra những suy nghĩ của mình mà không sợ người khác cười.
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Anh Tuấn: Mạnh dạn nhìn nhận vấn đề và cùng các em giải quyết, tôi thấy đã ít nhiều thành công trong việc giáo dục giới tính cho học sinh. Ảnh: M.H
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét: Trái với tâm lý e thẹn, rụt rè, phần lớn các em đều hào hứng, thích thú với những vấn đề tế nhị chúng tôi chia sẻ. Có những câu hỏi ngô nghê nhưng hết sức thú vị của các em về giới tính và sức khỏe sinh sản, cũng có những câu hỏi khiến cả tôi… ngã ngửa và phải chọn câu trả lời phù hợp với độ tuổi, tâm lý của các em. Mạnh dạn nhìn nhận vấn đề và cùng các em giải quyết, tôi thấy đã ít nhiều thành công trong việc giáo dục giới tính cho học sinh.
Để vấn đề quan trọng không trở thành quá nghiêm trọng
Ông Nguyễn Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT iSchool Quy Nhơn nhấn mạnh, đối với nhà trường, vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh rất quan trọng. Hằng năm, nhà trường lồng ghép vào các môn học, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Đặc biệt, trường còn phối hợp với TTYT TP Quy Nhơn để tổ chức hoạt động tuyên truyền, tư vấn có sự tham gia của chuyên gia cho các em.
Ông Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, cho rằng, vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành. Ở giai đoạn này các em có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù như thích thử nghiệm, thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng các mối quan hệ mới. Để phòng tránh những nguy cơ làm ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, vị thành niên cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản, bao gồm môi trường an toàn, thông tin chính xác, kỹ năng sống, được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ y tế phù hợp.
Trong năm 2023, TTYT TP Quy Nhơn đã phối hợp với Đoàn thanh niên, các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức thành công trên 30 buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; 9 buổi truyền thông, tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân cho hơn 20.000 lượt ĐVTN, học sinh. Các buổi truyền thông được tổ chức ở sân trường bằng hình thức sinh hoạt ngoại khóa và truyền thông chuyên đề thu hút được nhiều học sinh, kể cả các giáo viên cùng tham gia.
Cũng từ năm 2023, với hỗ trợ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế), các CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên đã được xây dựng và hoạt động tại một số điểm trường như: THPT Trưng Vương, THPT Nguyễn Thái Học; THCS Quang Trung, THCS Lê Lợi, THCS Lê Hồng Phong; xây dựng các “Góc thân thiện” tại các trường học để thuận lợi trong việc tiếp cận các thông tin về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên từ các em học sinh. Hoạt động tư vấn, truyền thông đã được TTYT TP Quy Nhơn mở rộng ra các trường THPT.
“Nếu đơn giản hóa, hài hước hóa, dí dỏm hóa những kiến thức về giới tính thì trẻ dễ dàng tiếp nhận và hiểu rằng đây là một vấn đề quan trọng nhưng không quá nghiêm trọng”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
MAI HOÀNG