Vĩnh Thạnh khuyến khích trồng rừng gỗ lớn
Xác định chuyển dần trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, huyện Vĩnh Thạnh đang thí điểm xây dựng mô hình trồng thâm canh gỗ lớn, nhằm chuyển giao các dòng keo lai cấy mô giống mới AH1, AH7 và BV75 vừa được công nhận vào phát triển trồng rừng thâm canh, thu hoạch gỗ lớn.
Từ năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, UBND xã Vĩnh Sơn phối hợp với đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện mô hình trồng 40 ha rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai cấy mô. Mô hình có 17 hộ dân ở các thôn: K2, K3, K4, K8, Suối Đá tham gia. Sau 2 năm trồng, hầu hết diện tích rừng thuộc mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích người dân, DN trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện môi trường. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Ông Trần Công Quang, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Ngoài diện tích này, trên địa bàn huyện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã xây dựng kế hoạch trồng hơn 140 ha rừng cây gỗ lớn khác, chủ yếu cũng là keo lai. Theo kế hoạch, tháng 9 năm nay, công ty sẽ trồng thêm 26 ha ở xã Vĩnh Quang, đồng thời lên lịch trồng 120 ha ở xã Vĩnh Hòa trong thời gian tới.
Ông Quang phân tích: So với trồng rừng gỗ nhỏ như lâu nay, lợi nhuận từ trồng rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tùy theo tuổi khai thác và đường kính của cây. Chẳng hạn, với cây keo lai, khai thác ở chu kỳ 5 - 6 năm chỉ có thể bán làm dăm gỗ, bóc lấy ván; lợi nhuận bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Song, khi chuyển sang thành rừng trồng gỗ lớn, cây trồng từ 10 - 14 năm, đường kính cây khi khai thác đạt khoảng 20 cm trở lên, sản lượng gỗ đạt từ 180 - 220 m3/ha. Lúc này, gỗ được bán theo giá gỗ xẻ gia dụng, giá từ 1,6 - 2,4 triệu đồng/m3, tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân tăng lên đến 20 triệu đồng/ha/năm. Chưa kể, nhiều lợi ích khác như tiết kiệm chi phí cây giống, giảm vốn đầu tư cho giai đoạn ban đầu, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng.
Theo Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035, huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng được 292 ha rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Vĩnh Thạnh còn nhiều việc phải làm. Bởi lâu nay người trồng rừng thường có tâm lý “khai thác non” sau chu kỳ 4 - 5 năm trồng, khi cần thu hồi vốn nhanh để trang trải cuộc sống và tái sản xuất. Hơn nữa trồng rừng gỗ lớn mất tới 10 - 12 năm mới có thể khai thác, vì vậy cần nhiều vốn đầu tư hơn. Ngoài ra, Bình Định nói chung và huyện miền núi Vĩnh Thạnh nói riêng còn là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, như: Nắng nóng kéo dài, bão và lũ xảy ra nhiều, dễ gây xói mòn, gãy đổ cây, rủi ro cao...
Do vậy, vừa tiếp tục khuyến khích người dân đưa các loại cây có giá trị vào trồng thử nghiệm, cũng như triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài khi trồng rừng gỗ lớn, huyện Vĩnh Thạnh nghiên cứu tìm cách hỗ trợ phù hợp để người dân yên tâm trồng rừng.
AN NHIÊN