Để công nhân không dính vào “tín dụng đen”
Tại hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh được tổ chức tháng 5.2024, có nhiều ý kiến liên quan đến tình hình “tín dụng đen” trong công nhân. Để công nhân không dính vào “tín dụng đen”, trong công tác phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn mối nguy này, cần phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn.
Bà Phạm Thị Trang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Tingco Bình Định (Khu kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn), nêu tình trạng cho vay nặng lãi biến tướng dưới nhiều hình thức làm cho công nhân không nhận diện được, hoặc đến khi nhận ra thì đã “sập bẫy”. Điều này tác động rất tiêu cực đến đời sống công nhân, gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của DN có công nhân đang làm việc.
Theo ông Lê Từ Bình - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nguyên Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, “tín dụng đen” trong công nhân trên địa bàn tỉnh dù chưa nổi lên nhiều như ở các địa phương khác, nhưng vẫn âm ỉ những năm qua.
“Có trường hợp tổ trưởng tổ công đoàn ở DN vì vay nặng lãi mà phải nghỉ việc. Một số công nhân vay nặng lãi nhưng lại cho số điện thoại liên lạc của chủ DN. Khi công nhân không có tiền trả nợ với lãi vay rất cao, chủ DN lại bị người cho vay gọi điện thoại quấy rối nên rất bức xúc…”, ông Bình nêu thực tế nắm bắt được.
Trên các tuyến đường ở Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) có nhiều quảng cáo, rao vặt dán ở cột điện với nội dung cho vay thủ tục nhanh gọn, không thế chấp. Ảnh: H.T
Một chủ DN gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) cho biết, sau một số lần bị các đối tượng gọi điện thoại đòi nợ vay nặng lãi của công nhân ở DN do mình làm chủ, ông cương quyết không can dự vào việc xử lý nợ từ cho vay trái pháp luật bên ngoài công ty, nói “đã báo CA” thì mới được “yên ổn”.
Hiện nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Quy Nhơn, có thể thấy khá nhiều tờ rơi, quảng cáo rao vặt với nội dung cho vay tiêu dùng, vay không thế chấp, kiểu “thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày, chỉ cần CCCD”. Một công nhân đang làm việc tại DN ở Khu công nghiệp Phú Tài cho hay, có nhiều trường hợp còn tiếp cận “tín dụng đen” qua các hình thức vay tiền online dành cho công nhân.
“Tôi biết có một số công nhân không tìm hiểu kỹ lưỡng hoặc biết mà túng quá vẫn đâm đầu vào “vay liều”, khi chậm trả thì lãi mẹ đẻ lãi con khiến họ phải nghỉ việc, thậm chí bỏ nhà đi xa để trốn nợ”, công nhân này kể.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri nêu trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn nhấn mạnh: Việc cho vay với lãi suất cao hơn nhiều lần so với quy định của pháp luật sẽ tiếp tục được các ngành chức năng kiên quyết xử lý, nhất là việc cho vay nặng lãi rồi đòi nợ kiểu xã hội đen. Tuy nhiên, công nhân cần nêu cao cảnh giác, đừng thấy được cho vay với thủ tục dễ dàng, nhanh chóng mà vay để rồi sau đó chịu hệ lụy từ “tín dụng đen”...
Tháng 8.2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam có công văn về việc tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen”, đề nghị các cấp công đoàn chủ động phối hợp triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, giúp họ yên tâm làm việc, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.
Theo đó, các cấp công đoàn cần thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi; đồng thời thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với CA để được phối hợp, hỗ trợ kịp thời trong phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân.
Bà Nguyễn Thị Bảo Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn), cho hay: Thời gian qua, Công đoàn công ty tích cực phối hợp với các bộ phận có các hình thức tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, như trên hệ thống loa của công ty, in thông tin trên giấy để phát cho công nhân.
Theo ông Lê Từ Bình, LĐLĐ tỉnh trong năm nay có kế hoạch mời chuyên gia về trao đổi với các cán bộ công đoàn, chủ DN, công nhân về cách thức phòng, tránh “tín dụng đen”, nhất là đối với việc vay tiền online.
Ông Bình đề nghị công đoàn cơ sở ở DN cần sâu sát trong việc nắm bắt các trường hợp công nhân gặp khó khăn, đề xuất DN có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Công đoàn cơ sở có thể tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối, đứng ra bảo lãnh cho công nhân vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp, nhất là các gói vay theo chương trình hợp tác, có sự giám sát giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và công ty tài chính, nhằm hỗ trợ đoàn viên, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
HOÀI THU