Hành trình đến với Trường Sa - Kỳ 1
Cuối tháng 5 vừa qua, tàu 561 mang tên Khánh Hòa-01 thuộc Vùng 4 Hải quân đã cập cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) an toàn, kết thúc hành trình 9 ngày đưa đoàn công tác số 22 đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/8 (Quế Ðường). Tham gia đoàn công tác, Ðoàn Bình Ðịnh gồm 30 thành viên, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh làm trưởng đoàn đã để lại ấn tượng tốt đẹp, thấm đẫm tình cảm sâu nặng của đất liền với quân và dân trên các điểm đảo.
Kỳ 1: Hành trình của yêu thương, vinh dự và tự hào
Suốt hành trình, 183 thành viên vinh dự, tự hào, xúc động khi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay, phát triển của các điểm đảo giữa đại dương mênh mông; được sẻ chia với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (bìa trái) đến tận phòng 2 chiến sĩ quê Bình Định đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông để động viên, tặng quà. Ảnh: T.SỸ
Đoàn công tác số 22 có 183 thành viên đến từ tỉnh Bình Định, Quảng Bình, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam… đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/8 với mong muốn góp phần tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các điểm đảo; tri ân các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo; động viên cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, hoàn thành nhiệm vụ được Tổ quốc và nhân dân giao phó. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cùng phát triển KT-XH, đóng góp xây dựng Trường Sa hiện đại, to đẹp hơn.
Hồi hộp, háo hức được đến Trường Sa thân yêu
Để được đến thăm quần đảo Trường Sa, các thành viên trong đoàn phải vượt qua “cửa ải” đầu tiên, đó là kiểm tra tình hình sức khỏe. Bước vào phòng khám, nhiều người hồi hộp, lo lắng cơ địa dở chứng vào thời điểm quan trọng, bỏ lỡ “cơ hội cuộc đời” được đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Và cảm xúc vỡ òa, khi bác sĩ quân y kết luận, tất cả các thành viên đoàn công tác số 22 đều đảm bảo sức khỏe, đủ điều kiện tham gia hành trình.
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông vui mừng đón chào đoàn Bình Định đến thăm đảo. Ảnh: T.SỸ
Đúng 8 giờ sáng ngày 20.5, đoàn di chuyển đến Lữ đoàn 125 ở khu vực cảng Cát Lái 1 (TP Hồ Chí Minh), thực hiện nghi thức dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, đã có nữ thành viên đoàn công tác số 22 không đứng vững. Ai nấy đều hồi hộp, lo lắng, bày tỏ sự tiếc nuối cho người đồng hành. Tuy nhiên, sau mấy phút trấn an, tinh thần của chị phấn chấn trở lại, háo hức lên đường, các thành viên đoàn công tác thở phào, nhẹ nhõm.
Đoàn Bình Định có 30 thành viên, với hành trang mang theo là tình cảm yêu quý, niềm tự hào, tin tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tình hình biển đảo, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo là chủ đề chính trong các câu chuyện trên tàu. Dù đây là lần thứ 2 ra thăm quần đảo Trường Sa, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, sự háo hức còn hơn cả lần đầu.
“Thời tiết trên biển và tại các điểm đảo diễn biến phức tạp, nắng, mưa, giông lốc bất thường, nên hành trình từ đất liền đến các điểm hết sức gian nan. 16 năm trước, cơ sở hạ tầng tại các điểm đảo còn hạn chế, một số điểm đảo thiếu điện, nước ngọt, nên đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân rất khó khăn, vất vả, nhìn thương lắm!”, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ như vậy và bày tỏ tin tưởng với tinh thần cả nước vì Trường Sa, bây giờ chắc hẳn quần đảo Trường Sa đã khác trước.
Thông tin nói trên càng gia tăng sự tò mò, háo hức của các thành viên lần đầu được thăm quần đảo Trường Sa, trong đó có vợ chồng đồng chí Lê Bình Thanh, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn và đồng chí Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. “Thăm quần đảo Trường Sa là cơ hội hiếm có, không phải muốn là được. Vì vậy, ngay sau biết tin được đi thăm Trường Sa, vợ chồng tôi đã sắp xếp, bố trí công việc cơ quan và công việc gia đình ổn thỏa. Bây giờ chỉ mong tàu đi nhanh để sớm đến với Trường Sa, thỏa nỗi mong chờ”, đồng chí Lê Bình Thanh tâm sự.
Dành nhiều thời gian trên boong tàu, mắt luôn hướng về phía các điểm đảo, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Cang cho biết: Chỉ cần nhắc đến 2 chữ “Trường Sa”, trong tôi luôn dâng trào cảm xúc vinh dự, tự hào. Mong cho tàu nhanh đến đảo để được trao gửi tình yêu thương vô hạn và lòng biết ơn sâu sắc đến với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.
Khí phách hào hùng nơi đảo xa
Sau 2 ngày 2 đêm vượt sóng, 5 giờ sáng ngày 22.5, bóng dáng đảo Sinh Tồn Đông - điểm đầu tiên đoàn công tác ghé thăm - dần hiện lên vững chãi giữa muôn trùng sóng nước. Tất cả thành viên trên tàu đều vui mừng, hạnh phúc dõi mắt, nóng lòng được lên đảo. Trời đứng gió, nắng nóng gay gắt, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông xếp hàng, đứng trang nghiêm tại cầu cảng đón chào đoàn công tác. Những cái bắt tay thật chặt, những lời hỏi thăm chân tình, những sẻ chia giữa thành viên đoàn công tác với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo cứ thế tiếp diễn, mặc cho thân mình ướt đẫm mồ hôi.
Bỡ ngỡ, bẽn lẽn khi tiếp nhận lời thăm hỏi, động viên từ lãnh đạo tỉnh và các thành viên đoàn công tác Bình Định, nhưng khi nhắc đến nhiệm vụ trên đảo, chiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, quê ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) khẳng khái: Bản thân tôi cảm thấy vinh dự, tự hào là người con Bình Định được ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc. Dù có phong ba, bão táp, tôi vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trung tá Đỗ Văn Diễn, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông, cho biết: Các chiến sĩ trên đảo đều như anh em một nhà. Chúng tôi xem đảo là nhà, biển là quê hương, tinh thần yêu nước luôn cháy bỏng. Dù thời tiết có diễn biến phức tạp, nhiều tháng liền không mưa, nắng nóng gay gắt, song chúng tôi luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết một lòng, vững chí, chắc tay súng, sẵn sàng xử lý mọi tình huống, quyết tâm giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Được Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng Đoàn công tác số 22, phân công đại diện đoàn công tác phát biểu tại đảo Sinh Tồn Đông, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi của đảo: “So với năm 2008, quang cảnh trên đảo đã thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người dân tốt hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ luôn thể hiện rõ tinh thần yêu nước, luôn chắc tay súng giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để có được những điều này, cha ông ta đã phải đánh đổi bằng xương máu và cả những hy sinh của biết bao con người. Đoàn công tác số 22 mang theo tình yêu thương vô bờ và lòng biết ơn sâu sắc gửi đến cán bộ, chiến sĩ, người dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/8. Các đơn vị trong đoàn công tác số 22 nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH vững mạnh, đóng góp nhiều hơn, góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng hiện đại, to đẹp”.
Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn công tác đến thăm đảo Len Đao, Đá Đông C, Đá Tây A, thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1/8.
Vui mừng, xúc động được đón đoàn công tác số 22 đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng trên đảo, trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, thay mặt các lực lượng trên đảo hứa với đoàn công tác: “Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân và dân trên đảo cũng luôn đoàn kết một lòng, phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Đồng thời, xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực về đoàn kết quân dân; làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Dẫu chưa hề quen biết, song các thành viên trong đoàn và cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo cùng có cảm giác như ruột thịt thân thương. Những vòng tay ôm, những cái bắt tay thắm thiết, những lời hỏi thăm, động viên nhau thân tình cứ thế, cứ thế diễn ra, tự nhiên như người một nhà. Tiếng nói, tiếng cười vang vọng một góc biển trời, cùng hình ảnh cờ Tổ quốc tung bay trong gió, như chính khí phách hiên ngang của các chiến sĩ, tất cả hòa vào giai điệu bài hát Tổ quốc gọi tên mình, Gần lắm Trường Sa, lấn át tiếng sóng, dâng trào cảm xúc…
PHẠM TIẾN SỸ
• Kỳ 2: Người Bình Định ở Trường Sa