Triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học: Nhiều tín hiệu tích cực
Thay thế học bạ giấy truyền thống bằng học bạ số để sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GD&ÐT là xu hướng tất yếu. Qua triển khai thí điểm học bạ số tại 128 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, áp dụng cho năm học 2023 - 2024, bước đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Xu hướng tất yếu, nhiều tiện ích
Từ tháng 4.2024, các trường tiểu học nằm trong danh sách thí điểm đã nhanh chóng tìm hiểu các thông tin liên quan đến học bạ số, tham gia tập huấn các nội dung về tạo lập, cập nhật, quản lý và lưu trữ học bạ số; quản lý thông tin học sinh thông qua ứng dụng SMAS; kết nối với Chi nhánh Viettel Bình Định triển khai chữ ký số…
Bà Lê Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (TP Quy Nhơn) chia sẻ: Học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý, theo dõi, kiểm tra thông tin; dễ dàng điều chỉnh thông tin nếu có sai sót so với học bạ giấy truyền thống, điều này tạo thuận lợi cho giáo viên nhà trường.
Chia sẻ về những điểm tích cực của học bạ số, ông Đặng Văn Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Quy Nhơn) nói: Học bạ số giúp lưu trữ thông tin học sinh chính xác, lâu dài, dễ dàng tra cứu và cập nhật đối với các hoạt động hành chính có sử dụng học bạ, chẳng hạn như khi làm thủ tục cho học sinh chuyển trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Cát Tiến (huyện Phù Cát) quản lý thông tin học sinh qua ứng dụng SMAS. Ảnh: H.T. ĐIỂM
Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, để thực hiện học bạ số cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, Phòng chủ động phối hợp với Chi nhánh Viettel Bình Định tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai chữ ký số cho cán bộ quản lý, giáo viên của 13 trường thí điểm.
Tại Trường Tiểu học Cát Tiến (huyện Phù Cát), sau tập huấn, nhà trường đã phân công giáo viên bộ môn Tin học hướng dẫn các giáo viên khác cùng thực hiện. Ông Châu Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Ngay tại thời điểm triển khai, chúng tôi đã tích cực hỗ trợ cho các giáo viên thực hiện các thủ tục quản lý và lưu trữ học bạ số; cập nhật và quản lý thông tin qua ứng dụng SMAS, triển khai chữ ký số… Kết thúc năm học, nhà trường đã hoàn tất triển khai thí điểm bước đầu theo như kế hoạch của Sở GD&ĐT.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Cát Tiến (huyện Phù Cát), bày tỏ: Trước đây, sử dụng học bạ giấy giáo viên tốn nhiều thời gian để điền thông tin học bạ, cập nhật điểm, ký tay cho tất cả học bạ… Hơn nữa, nếu có sai sót rất khó điều chỉnh. Học bạ số đã phần nào giải quyết được những khó khăn đó.
Tương tự, huyện Tây Sơn tiến hành thí điểm tại 10/19 trường tiểu học trên địa bàn. Ông Châu Minh Hưng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, cho biết: Với lợi thế về đường truyền internet khá ổn định, Phòng GD&ĐT đã triển khai theo kế hoạch đối với 10 trường trong diện áp dụng thí điểm. Đến thời điểm hiện tại, công tác triển khai tập huấn, cập nhật thông tin học bạ và chữ ký số cơ bản hoàn tất. Hoạt động triển khai ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi việc cập nhật, lưu trữ thông tin diễn ra an toàn, quản lý học bạ của học sinh hiệu quả; giáo viên tiếp cận và làm quen được ứng dụng; thuận lợi trong việc quản lý thông tin học sinh.
Ngày 30.6 hoàn thành thí điểm tại 128 trường
Để đảm bảo công tác triển khai, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện như: Có đủ máy tính kết nối internet; cài đặt và cập nhật phần mềm học bạ số, chữ ký số; bố trí nhân sự quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số. Thời gian đầu, một số trường gặp khó khăn trong việc tiếp cận phần mềm, cần có giáo viên bộ môn Tin học, am hiểu về công nghệ thông tin hướng dẫn, hỗ trợ.
Toàn tỉnh có 128 cơ sở giáo dục triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Trong đó, 2 địa phương TX An Nhơn và huyện Tuy Phước chọn triển khai thí điểm cho 100% các trường trên địa bàn; các địa phương còn lại chọn 50% số trường để triển khai thí điểm.
Bà Đặng Thị Lộc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ An (huyện Phù Mỹ) cho hay: Theo như kế hoạch, nhà trường đã tiến hành triển khai học bạ số cho mỗi khối 1 lớp và đang tiếp tục hoàn thiện theo kế hoạch thí điểm. Tuy nhiên, vì là ứng dụng mới nên thời gian đầu giáo viên gặp không ít khó khăn trong sử dụng, cập nhật, quản lý thông tin trên ứng dụng. Nhà trường chủ động nhờ giáo viên bộ môn Tin học kịp thời hỗ trợ.
Hơn nữa, sử dụng học bạ số yêu cầu các trường phải bảo đảm điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, đường truyền… nhưng tại số trường thuộc địa bàn huyện miền núi vẫn chưa đảm bảo các yếu tố này. Ông Lê Văn Thành, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, cho hay: Huyện An Lão triển khai thí điểm cho 6/11 trường tiểu học. Tuy nhiên, với đặc thù là địa bàn huyện miền núi nên hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền không được ổn định, các trường tại địa phương cũng gặp phải không ít khó khăn. Phòng GD&ĐT tạo điều kiện hỗ trợ các trường trong quá trình thực hiện.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các trường đã tiến hành nộp chứng thư số trên hệ thống, khởi tạo học bạ từ lớp 1 đến lớp 4, triển khai chữ ký số và tạo học bạ số thành công cho mỗi khối 1 lớp theo kế hoạch của Sở. Dự kiến đến ngày 30.6, 128 trường thí điểm sẽ hoàn tất và cập nhật học bạ lên hệ thống. Trong quá trình thực hiện, các trường chủ động liên hệ Chi nhánh Viettel Bình Định để được hỗ trợ về kỹ thuật; báo cáo phòng GD&ĐT, phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT để được hỗ trợ nếu có vướng mắc.
HỒ THỊ ÐIỂM