Sáng tạo, mới mẻ, nhiều tiềm năng
Tại Liên hoan Sáng tạo trẻ trong học sinh, sinh viên năm 2024 do Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 7.6 vừa qua, các dự án đoạt giải cao của sinh viên các trường đại học, cao đẳng gây ấn tượng bởi sự mới mẻ, phù hợp với nhu cầu thực tế và đều có sản phẩm minh họa cụ thể, chỉn chu.
Bắt nguồn từ đời sống
Xuất sắc đoạt giải nhất với dự án “Trồng cây không chậu: Tiếp cận mới cho không gian xanh”, nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Quy Nhơn mang đến hướng đi mới về việc trồng và chăm sóc cây xanh thân thiện với môi trường, phù hợp với nhiều nhu cầu.
Theo đó, nhóm đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm hoàn toàn bằng vật liệu thân thiện với môi trường (cây giống, đất trồng, xơ dừa, phân hữu cơ, rêu khô, chỉ cotton); tận dụng, xử lý những phế phẩm làm phân bón. Nhóm nghiên cứu và trồng thử nghiệm với công thức đất trộn theo tỷ lệ nhất định giúp cây phát triển vượt trội so với những cây sử dụng đất thông thường.
Nhóm dự án “Sản phẩm decor làm từ phế liệu cơ khí” giải thích quy trình hoàn thiện sản phẩm cho sinh viên đến tham quan mô hình. Ảnh: D.L
Trước đó, dự án này đã đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo cấp trường. Khi dự thi cấp tỉnh, nhóm đã cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trưởng nhóm Đỗ Minh Tú (lớp Nông học K46) cho biết: “Ban đầu chỉ có phân hữu cơ vi sinh, nay sản phẩm có thêm dinh dưỡng bổ sung là đạm cá do nhóm tự tạo từ các thành phần như mật rỉ đường, các phế phẩm từ cá, vi sinh vật, vỏ trái cây có hương. Ngoài ra, sản phẩm được thiết kế thêm đế với nhiều hình dáng”.
Cũng theo xu hướng xanh, dự án “Sản phẩm decor làm từ phế liệu cơ khí” do nhóm sinh viên đến từ Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn thực hiện đã mang đến những sản phẩm được làm từ phế liệu, tận dụng 90% rác thải cơ khí.
Trưởng nhóm Huỳnh Văn Hòa (lớp Chế tạo thiết bị cơ khí A K16) thông tin: “Trong quá trình thực hành tại xưởng, chúng tôi nhận thấy có nhiều mảnh sắt thép còn khả năng tái chế, tạo ra giá trị cao nhưng phải bán đồng nát với giá rẻ, lãng phí tài nguyên. Do vậy, nhóm đã thử thu gom, tạo hình một số vật dụng trang trí, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa kéo dài vòng đời phế liệu”.
Trong khi đó, dự án “Biển cảnh báo đuối nước sử dụng pin năng lượng mặt trời” của nhóm sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn lại tập trung vào việc hạn chế tai nạn dưới nước. Về nguyên lý hoạt động, trưởng nhóm Trần Minh Tú Nhi (lớp Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng K46) giải thích: “Các biển báo được đặt ở những nơi dễ thấy, sử dụng pin năng lượng mặt trời để hoạt động, đồng thời được gắn bộ cảm ứng nhiệt để nhận biết người qua lại và phát sáng, thu hút sự chú ý. Lúc này, biển báo sẽ hiển thị một số nội dung như nguyên nhân đuối nước tại vùng biển đó và cách xử lý tình huống, cùng các số liệu liên quan…”.
Vui vì được học hỏi, cọ xát
Trong suốt quá trình hoàn thiện dự án, các nhóm sinh viên đã có nhiều trải nghiệm mới mẻ. Vui vì được học hỏi, cọ xát là cảm nhận chung của các bạn.
Nhớ lại lần chế tạo sản phẩm đầu tiên từ thép tấm, phôi hàn, inox và một số nguyên phế liệu, tỉ mỉ cắt, hàn, mài, Hòa chia sẻ dù có hiểu biết về chuyên môn cơ khí, song việc tạo hình sao cho bắt mắt là cả một vấn đề.
“Chúng tôi dành nhiều thời gian để thiết kế những mẫu mã đẹp mắt, có thể trang trí tại nhiều không gian khác nhau. Do vậy, riêng phần hoa văn cần độ tinh xảo, nhóm phải dùng máy laser để cắt. Suốt 2 ngày cặm cụi ở xưởng, sau nhiều lần thất bại, “đứa con tinh thần” cũng dần hoàn thiện, mang theo sự phấn khởi của cả nhóm. Đây là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong thời sinh viên của chúng tôi”, Hòa tâm sự.
Bên cạnh những trải nghiệm mới mẻ, sinh viên còn nhận được nhiều lời khuyên bổ ích, từ đó chỉnh sửa, nâng cao chất lượng của sản phẩm. Ghi chép cẩn thận lời nhận xét, góp ý từ ban giám khảo, Tú Nhi cho hay: “Thời gian tới, tôi và các thành viên trong nhóm sẽ thu thập thêm dữ liệu, ý kiến thông qua khảo sát để bổ sung các tính năng mới cho sản phẩm biển cảnh báo đuối nước. Đồng thời, nghiên cứu sâu hơn để nhân rộng mô hình bằng cách xây dựng hệ thống máy chủ giúp tiện cập nhật tình hình của dòng nước và điều khiển toàn bộ biển báo nhằm thông tin nhanh nhất đến người dân”.
Chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: “Các dự án tham gia liên hoan lần này đều được đánh giá cao bởi tinh thần học hỏi, tiếp thu và ứng dụng CNTT sáng tạo. Tỉnh đoàn sẽ chọn ra 1 dự án để hỗ trợ các bạn phát triển, nâng cấp và đưa ra thị trường”.
DƯƠNG LINH