Hãy vì tương lai!
Theo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những năm qua ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp khoảng 10-11% GDP. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy khai thác và xuất khẩu khoáng sản là nguồn thu dễ có nhất đồng thời cũng kém bền vững nhất trong phát triển kinh tế.
Theo thống kê, chỉ trong vòng hơn một năm, số doanh nghiệp hoạt động khai khoáng từ 427 doanh nghiệp (năm 2000) đã tăng lên gần 2.000 doanh nghiệp (năm 2011), chưa kể có tới hơn 4.200 giấy phép khai khoáng các loại được cấp ở 62 tỉnh, thành trong cả nước. Với sự phát triển như vậy về số lượng, ngành khai khoáng đứng thứ năm về đầu tư nhưng hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng GDP chỉ đứng thứ tám, chưa kể có xu hướng giảm dần theo các năm. Hiện nay hoạt động khai khoáng ở nước ta chủ yếu bán tài nguyên thô, còn chế biến sâu rất ít trong khi vẫn phải nhập các loại khoáng sản chế biến sâu cho các ngành sản xuất công nghiệp quan trọng. cách làm này dẫn đến hậu quả tất yếu là mức tổn thất về tài nguyên và sự tàn phá môi trường rất lớn.
Thực trạng này cũng có thể nhìn thấy ở Bình Định thông qua hoạt động khai thác khoáng sản titan. Hiện trên địa bàn tỉnh có 38 giấy phép khai thác titan, với diện tích khoảng 2.230 ha. Trong số này có 15/23 doanh nghiệp được cấp phép chỉ khai thác quặng thô để bán nên mỗi năm chỉ thu được vài chục tỉ đồng trong khi số thất thu lên đến hàng trăm tỉ. Ngoài ra, hoạt động này còn để lại những hậu quả hết sức nặng nề như thất thoát tài nguyên, môi trường bị ô nhiễm, hệ thống giao thông bị phá nát…, thậm chí trong một thời gian dài đã xảy ra “điểm nóng” về an ninh - trật tự và nhiều hệ lụy khác.
Để khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản bền vững, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường. Ngành công nghiệp khai khoáng trong nước phải phát triển theo hướng hình thành các khu công nghiệp chế biến tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản; khai thác gắn với chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản để tránh tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản do lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân... như đã xảy ra trước đây.
Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ: Chính sách phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của nước ta là quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, nhằm đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế-xã hội trước mắt, lâu dài và đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Đây là định hướng quan trọng để các ngành và các địa phương trong cả nước tổ chức lại công tác quản lý và khai thác các tài nguyên khoáng sản hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả và phát triển bền vững. Bởi lẽ, khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, nếu hôm nay chúng ta khai thác và sử dụng hết thì cũng có nghĩa là phần tài nguyên “của để dành” cho con cháu mai sau cũng sẽ vĩnh viễn mất đi. Điều gì xảy ra cho tương lai nếu không biết lo từ hôm nay với nguồn tài nguyên khoáng sản hữu hạn của chúng ta chắc ai cũng hiểu.
Vậy thì, hãy hành động vì tương lai!
HẢI ĐĂNG