Chủ tịch nước: Nhiệm vụ của ngành Kiểm sát là tìm ra nguyên nhân của sai phạm
Chủ tịch nước cho rằng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm mà quan trọng hơn là phải làm rõ những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó.
Sáng 13.6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định "chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm" là nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự; tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, như nguyên tắc "suy đoán vô tội", "trọng chứng hơn trọng cung", "bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội", "chứng cứ đến đâu xử lý đến đó".
Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Toàn ngành thực hiện các biện pháp tố tụng bảo đảm chặt chẽ, tăng cường phúc cung trước khi quyết định truy tố; Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên ngay từ đầu của giai đoạn thụ lý tin báo, tố giác tội phạm và khởi tố, điều tra, truy tố.
Từ năm 2021 đến nay, toàn ngành Kiểm sát đã thụ lý, giải quyết hơn 490.000 nguồn tin; đảm bảo việc truy tố đúng thời hạn hơn 260.000 vụ với trên hơn 489.000 bị can, đạt 100%, vượt 10% và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,9% (vượt 4,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội).
Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từ năm 2021 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã phối hợp, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử 70 vụ với 894 bị cáo do Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả, vừa xử lý nghiêm minh, vừa bảo đảm tính nhân văn, thuyết phục, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và các cơ quan tư pháp.
Tuy nhiên, trong hoạt động của ngành còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn, nhất là những tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm liên quan đến an ninh phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao.
Cùng với đó, nhiều quy định pháp luật còn bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng; Điều kiện bảo đảm hoạt động như: biên chế, chức danh tư pháp, kinh phí hoạt động, nhất là kinh phí chuyển đối số... chưa đáp ứng yêu cầu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao ngành Kiểm sát nhân dân với quyết tâm cao và việc lựa chọn đúng đắn các biện pháp công tác trọng tâm, trọng điểm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành tốt các yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng, hàng năm cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao; góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Qua đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót của ngành. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Trung ương; đặc biệt là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bám sát nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; chú trọng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với những tư tưởng, biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nội dung các đề án, dự thảo văn kiện, nghị quyết của Trung ương. Đồng thời khẩn trương tổ chức nghiên cứu, bảo đảm chất lượng các Đề án đã được Trung ương giao để tham mưu với Đảng đưa vào nội dung Văn kiện Đại hội XIV.
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu
Theo Chủ tịch nước, đây là những đề xuất về chính sách mới rất quan trọng cần phải sớm được nghiên cứu và triển khai thực hiện để khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo cơ chế "phòng ngừa từ sớm, từ xa", nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị, tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Trong quá trình hoạt động, phải đề cao thực thi các nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà Hiến pháp giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.
"Nhiệm vụ của ngành Kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà quan trọng hơn, là phải làm rõ cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó. Thông qua mỗi vụ án, mỗi vụ việc cụ thể, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu, kể cả sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật", Chủ tịch nước cho biết.
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song tham nhũng vẫn đang là thách thức, là vấn đề bức xúc của xã hội. Theo Chủ tịch nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực chính là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; do đó, Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan có liên quan để chủ động phát hiện và đẩy nhanh tiến độ xử lý tội phạm tham nhũng, nhất là những vụ án lớn, có tổ chức.
Theo Chủ tịch nước, để chống tham nhũng hiệu quả, trước hết nội bộ của Ngành phải thực sự trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải thường xuyên chăm lo, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; nhất là nắm vững luật pháp và nghiệp vụ của Ngành; duy trì kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh trong đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý án tham nhũng.
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Người cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn”, Chủ tịch nước đề nghị Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp ủy đảng trong Ngành phải hết sức chú trọng công tác cán bộ, gắn công tác này với việc củng cố, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và Chỉ thị của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Chủ tịch nước tin tưởng rằng, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, và mục tiêu Cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Việt Cường (VOV1)