Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh:
Bước tiến mới trong quản lý, bảo vệ di tích
Từ ngày 10.6, Quyết định số 16/2024/QÐ-UBND ngày 24.5.2024 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh có hiệu lực thi hành. Ðây được xem là bước tiến mới khi tỉnh quyết định phân cấp quản lý, bảo vệ di tích cho các địa phương. Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, quanh vấn đề này.
• Quyết định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, toàn tỉnh có 149 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 113 di tích cấp tỉnh). Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương, sự huy động nguồn lực từ ngân sách của tỉnh, các địa phương và nguồn đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, nhiều công trình di tích đã được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo khang trang, phát huy giá trị di tích hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, nhất là kinh tế du lịch của tỉnh.
Các di tích không tập trung mà phân bố rải rác trên toàn tỉnh, một số di tích ở miền núi, vùng cao; mặt khác, do chưa có sự phân cấp về quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh và địa phương chưa đồng bộ, nên việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Chính vì vậy, để có cơ sở thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên toàn tỉnh một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Định (gọi tắt là Quy chế). Đây được xem là bước tiến mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.
• Quy chế này có điểm gì đặc biệt, thưa ông?
Kèm theo Quy chế là danh mục 149 di tích xếp hạng được UBND tỉnh phân cấp cụ thể cho Sở VH&TT, các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Cụ thể, Sở VH&TT được giao quản lý 22 di tích, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt là khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, tháp Dương Long; 18 di tích quốc gia, trong đó có các cụm tháp Chăm, thành Hoàng Đế, từ đường và đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, từ đường và đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, khu căn cứ Núi Bà, lăng Mai Xuân Thưởng… và 2 di tích cấp tỉnh là lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt, đài Kính Thiên. Còn lại 127 di tích (16 di tích quốc gia và 111 di tích cấp tỉnh) giao cho 11 huyện, thị xã, thành phố quản lý.
Theo Quy chế, Sở VH&TT còn quản lý 22 di tích, trong đó có các cụm tháp Chăm.
- Trong ảnh: Di tích tháp Bánh Ít. Ảnh: NGỌC NHUẬN
UBND tỉnh đã phân cấp, giao quyền cho các địa phương trực tiếp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa; chủ động trong việc bố trí các nguồn lực đầu tư cho di tích, chủ động tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di tích gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, kết nối du lịch và phát triển KT-XH của địa phương.
Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.
• Như vậy Sở VH&TT sẽ triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Có thể nói, việc thực hiện Quy chế đối với các địa phương trong thời gian đầu sẽ có những khó khăn nhất định, như về nhân lực, kinh phí, việc tổ chức thực hiện… Vì vậy, các địa phương cần tập trung nguồn lực, huy động các cấp, ngành, hội, đoàn thể cùng tham gia. Bên cạnh đó, cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo thuyết minh viên phục vụ khách tham quan di tích, từng bước ổn định và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
Với trách nhiệm của mình, trước mắt Sở VH&TT phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan dự thảo Hướng dẫn thành lập các ban, tổ quản lý di tích ở các địa phương để trình UBND tỉnh ban hành, làm cơ sở pháp lý để các địa phương tổ chức công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương mình. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn và tổ chức tập huấn về công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho cán bộ địa phương làm công tác di sản văn hóa trên toàn tỉnh…
• Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)