Nhiều nguy cơ dẫn đến loãng xương
Loãng xương là tình trạng giảm chất khoáng của xương, làm giảm mật độ xương dẫn đến xương yếu, giòn và dễ gãy hơn bình thường.
Thông tin về loãng xương ngày càng rộng rãi nên lượng bệnh nhân đi khám, kiểm tra loãng xương ngày càng nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày phòng khám Phục hồi chức năng (BVĐK tỉnh) khám khoảng 25-30 bệnh nhân, 30-40% trong số đó là bệnh nhân bị loãng xương.
Bệnh thường xảy ra ở tuổi trung niên, phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy vậy, những người nằm trong nhóm có các yếu tố nguy cơ cao (dùng nhiều rượu bia, thuốc lá, cà phê dẫn đến giảm hấp thu canxi; ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời; lạm dụng các loại thuốc như corticoid; stress) có thể bị ở mọi lứa tuổi.
Loãng xương tiên phát hay loãng xương ở người già, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là do sự mất cân bằng giữa hormone sinh dục và hormone vỏ thượng thận, làm giảm hấp thụ canxi và tăng hoạt động của tế bào hủy xương nên gây ra tình trạng giảm mật độ xương dẫn đến loãng xương.
Loãng xương thứ phát thường thấy ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau: bất động quá lâu do bệnh, do nghề nghiệp; mắc các bệnh nội tiết (cường vỏ thượng thận, suy tuyến sinh dục, cường giáp…); bệnh thận (suy thận mạn thải nhiều canxi, chạy thận nhân tạo chu kỳ…); có khi do dùng corticoid kéo dài. Khi có một trong các yếu tố nguy cơ trên, nên đi khám kiểm tra xương để phát hiện sớm và điều trị kịp thời loãng xương.
Bệnh nhân thường đi khám trong tình trạng đau cột sống, đau thần kinh tọa, hội chứng vai gáy, đau các khớp xương, đau dọc xương cẳng chân, xương tay, mỏi cơ (nhất là khi hoạt động thể lực). Trường hợp nặng hơn có thể bị xẹp lún đốt sống lưng, thắt lưng hoặc gãy xương, thường gặp là gãy cổ xương đùi, xương cẳng tay sau một chấn thương hoặc va chạm nhẹ. Do vậy, khi bị loãng xương, bệnh nhân nên có chế độ tập luyện hợp lý (tăng cường vận động như đi bộ, thể dục, nên ưu tiên hoạt động ngoài trời, tránh các hoạt động có nguy cơ té ngã). Về chế độ ăn, nên bồi bổ nguồn thức ăn giàu canxi như hải sản, trứng, sữa, rau quả tươi; tránh rượu bia, thuốc lá, cà phê… Đối với phụ nữ nên dùng nhiều các chế phẩm từ đậu nành. Nên kiểm tra xương hằng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh loãng xương có thể được cải thiện nhờ chế độ ăn uống, sinh hoạt và thuốc men hợp lý. Các nghiên cứu cho thấy việc điều trị đã làm tăng được khối lượng khoáng chất của xương, giảm đau đớn, giảm nguy cơ gãy xương... cải thiện chất lượng cuộc sống cho người có tuổi.
Việc dùng thuốc điều trị loãng xương phải theo chỉ định, tư vấn và theo dõi của bác sĩ, kiểm tra định kỳ 6 tháng trong thời gian điều trị. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ và không được theo dõi, dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
BS PHẠM THỊ PHƯỢNG