Miếng ngon nhớ lâu...
Nằm trong chuỗi sự kiện Giải Teqball Thế giới năm 2024, chương trình Nồng nàn hương vị ẩm thực Bình Định - diễn ra từ ngày 6 - 9.6, tại Quảng trường Chiến Thắng, TP Quy Nhơn - đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong công chúng.
Chương trình Nồng nàn hương vị ẩm thực Bình Định năm 2024 là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, tiềm năng du lịch Bình Định, tạo ra các hoạt động phong phú thu hút du khách đến với thành phố biển. Chương trình tổ chức 16 gian hàng kinh doanh ẩm thực và hàng mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, đã đón tiếp, thu hút lượng khách lớn thưởng thức ẩm thực, mua sắm. Tuy quy mô không lớn nhưng từ đây nhiều câu hỏi, thắc mắc của công chúng, đặc biệt là du khách về ẩm thực Bình Định đã được khai mở thú vị.
Người dân mua sắm, thưởng thức món ăn tại chương trình. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Hồ Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Bình Định, chia sẻ: Không gian tổ chức tại Quảng trường Chiến Thắng thuận lợi là nằm cạnh biển, ngay khu trung tâm nên thu hút đông đảo người dân, khách du lịch, nhưng không gian nhỏ nên chúng tôi cố gắng bố trí, mời các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng ở TP Quy Nhơn như: Ẩm thực Việt, Lagoo Drink & Chill, Vua gà organic - Ca farm đem đến, giới thiệu những món đặc sản như tré trộn, cuốn Tây Sơn, gà nướng, cơm lam, bún thịt nướng… và các quán ăn bán món đặc sản Bình Định như bún rạm Cô Khánh (Phù Mỹ), nem chả Lê Sang, bánh ít Hoàng Đông (Tây Sơn). Dù vậy đáng tiếc là do đang vào cao điểm du lịch, một số quán ăn nổi tiếng với các món bánh xèo, bún chả cá, bánh canh… không thể đến với chương trình.
Bà Nguyễn Trần Tố Uyên, du khách ở Hà Nội, tươi cười chia sẻ: Gia đình tôi gồm 20 người đi du lịch để xem thi đấu môn Teqball và thưởng thức ẩm thực tại TP Quy Nhơn. Chúng tôi đã xin hủy 2 buổi tối ăn chung do công ty lữ hành sắp xếp để được thoải mái thưởng thức ẩm thực Bình Định theo cách của mình. Chúng tôi thích bánh ít lá gai, nem chua Bình Định và mua cả 1.000 cái làm quà. Và quả thật ấn tượng, món bún rạm cô Khánh thật tuyệt diệu, bởi nó lạ lẫm nhưng đậm đà và dễ quen, hệt như… người Bình Định.
Thời tiết ban ngày nắng nóng nên chương trình chủ yếu diễn ra từ 16 - 22 giờ mỗi ngày. Công tác tổ chức chuyên nghiệp, chỉn chu, có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lượng từ các đơn vị tham gia đồng hành.
Bà Ngô Thị Nhân, 67 tuổi, chủ quán bún rạm, tôm cô Khánh ở 78 Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ), phấn khởi: Tôi dự kiến mỗi ngày bán tầm 200 - 300 tô bún nhưng có thời điểm lên đến trên 500 tô. Bún được ép tại chỗ, rạm xay tươi bảo quản tới nơi mới nấu nên mọi người rất thích. Toàn bộ máy móc, nguyên liệu được chở từ Phù Mỹ vào và thêm món rau sống cho phù hợp thị hiếu khách hàng ở TP Quy Nhơn.
Du khách nước ngoài thưởng thức món bún rạm cô Khánh tại chương trình. Ảnh: HẢI YẾN
Chương trình không chỉ quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương. Các quầy trái cây, thức uống mới, lạ cũng được nhiều người thưởng thức như: Thạch đen Chu Hạnh (Cao Bằng); chanh dây vị ngọt, dưa hấu hữu cơ Gia vị nhiệt đới; xúc xích tươi Tây Nguyên… Quầy bánh ngọt kiểu Âu (dòng bánh lạnh: Chesse cake, crossaints, bánh mì que, bánh mì gà, bánh chocolate) thương hiệu nổi tiếng Golden Pastry của Công ty TNHH Bánh Vàng Việt Nam… luôn đông khách.
Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Bình Định bố trí không gian với đầy đủ bàn ghế để người dân và du khách thưởng thức các món ăn tại chỗ. Điểm cộng của chương trình là có gian hàng trưng bày hàng mỹ nghệ, gốm sứ Vân Sơn và viết thư pháp, sản phẩm lưu niệm dân gian… tạo ấn tượng cho người xem.
Du khách nước ngoài mê mẩn với đồ gốm Vân Sơn, đồ mỹ nghệ trưng bày tại chương trình. Ảnh: HẢI YẾN
Du khách người Anh Peter Smith đang đi du lịch cùng bạn bè tại TP Quy Nhơn hào hứng chia sẻ: “Bạn tôi là VĐV tham gia Giải Teqball Thế giới năm 2024 tại TP Quy Nhơn, tôi đi cùng đến đây cổ vũ. Tôi có dịp thưởng thức các món ăn ở thành phố này ngay tại chương trình ẩm thực. Tôi ấn tượng với món gà nướng, cơm lam rất tuyệt. Trong chương trình mà các bạn kết hợp quảng bá ẩm thực vừa ngắm các sản phẩm gốm sứ, mỹ nghệ đặc sắc quá ý nghĩa. Tôi thích nón lá và có cả người viết chữ trên nón rất đẹp”.
Bà Phạm Thị Chín, 60 tuổi, ở xã Phước Hưng (Tuy Phước) bộc bạch: Tôi bán các sản phẩm lưu niệm dân gian của Việt Nam như quạt lá, trống lắc cầm tay, chuồn chuồn tre… Các VĐV dự Giải Teqball Thế giới 2024 rất thích mua nón lá, được nghệ nhân viết chữ thư pháp tên riêng và chữ Việt Nam, còn các em thiếu nhi hoặc khách du lịch thì thích sản phẩm lưu niệm, trò chơi dân gian.
HẢI YẾN