Hội nghị hòa bình cho Ukraine: Khó có tác động mạnh mẽ
Theo số liệu được chính phủ Thụy Sỹ công bố ngày 10.6, 90 quốc gia, tổ chức đã đăng ký tham dự hội nghị tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho Ukraine. Tuy nhiên, sự kiện này lại không có đại diện của Nga.
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Thụy Sỹ Viola Amherd cho biết, hội nghị dự kiến diễn ra vào 2 ngày 15 - 16.6 tại khu nghỉ dưỡng gần TP Lucerne theo yêu cầu của Ukraine. Đây được xem là hy vọng của Ukraine nhằm thu hút trở lại sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với chiến sự Nga - Ukraine, sau nhiều tháng bị phân tán bởi cuộc chiến ở Gaza.
Trước đó, chính phủ nước này không mời Nga vì Moskva phát tín hiệu không quan tâm đến sự kiện này. Điện Kremlin vẫn cho rằng Thụy Sỹ không còn là một quốc gia trung lập nữa do lập trường ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sỹ lại nhấn mạnh mục đích chính của hội nghị lần này là “cùng nhau xác định một lộ trình” để đưa cả Nga và Ukraine tham gia vào tiến trình hòa bình trong tương lai.
Thủ đô Kyiv, Ukraine. Ảnh: Glib Albovsky/Unsplash
Trong số các quốc gia xác nhận tham dự, khoảng 1/2 cho biết sẽ cử nhân vật đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ, như sự xuất hiện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham dự mà cử Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đại diện. Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi vẫn chưa có phản hồi, trong khi Brazil và Trung Quốc khẳng định sẽ không tham dự trừ khi có đủ cả Nga và Ukraine. Bắc Kinh cũng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng nước này đang “bắt tay” với Nga gây sức ép để các nước không tham dự.
Theo Ngoại trưởng Thụy Sỹ Ignazio Cassis, tiến trình hòa bình sẽ không thể đạt được nếu thiếu Nga, nhưng đây được xem là nỗ lực để đưa Moskva ngồi vào bàn đàm phán sau này. “Vấn đề không phải là liệu Nga có tham gia hay không, mà là khi nào”, ông Ignazio Cassis nói. Người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba cũng thừa nhận rằng, không thể chấm dứt cuộc chiến nếu không có sự tham gia của 2 bên. Theo ông Dmytro Kuleba, chỉ có 2 cách để buộc Nga hành động có thiện ý, đó là chiến thắng trên chiến trường và tạo được liên minh các quốc gia có cùng lập trường và cách tiếp cận.
Các bên liên quan nói rằng, hội nghị lần này nhằm đạt được một sự “thấu hiểu chung” để hướng tới “hòa bình lâu dài”, đồng thời vạch ra “lộ trình” để cả hai nước cùng tham gia. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh hạt nhân, viện trợ nhân đạo và an ninh lương thực hay tù nhân chiến tranh cũng sẽ được thảo luận tại đây. Trong khi đó, chính phủ Ukraine cho hay, mục đích chính của hội nghị là cung cấp “nền tảng cho đối thoại nhằm đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”.
Với những khác biệt trong kế hoạch hòa bình 10 điểm của phía Ukraine và kế hoạch của Nga, các nhà quan sát cho rằng rất khó để hai bên đạt được sự đồng thuận nếu không có sự nhượng bộ lẫn nhau. Chẳng hạn như, Ukraine nhấn mạnh đến sự toàn vẹn lãnh thổ và các biên giới được quốc tế thừa nhận nhưng Nga lại đòi Ukraine phải chấp nhận từ bỏ các vùng mà Nga đã sáp nhập cũng như phải “trung lập hoàn toàn” và “phi quân sự hóa trên thực tế”. Vì vậy, hội nghị lần này nhiều khả năng chỉ là diễn đàn để cộng đồng quốc tế bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào nỗ lực tìm kiếm lộ trình hòa bình cho Ukraine, cũng như giải quyết các mối lo ngại an ninh đa phương mà cuộc chiến này đang gây ra ở trong và ngoài châu Âu.
LÊ QUẢNG (Theo Al Jazeera, Reuters)