Mở lòng ra là thấy ngay
Lâu nay chúng ta có thói quen hay nói quá lên, chẳng hạn nói: “Chúng ta phải trải thảm đỏ đón người tài”, và nhiều câu nói màu mè khác. Thực ra, người tài thực sự thì không cần trải thảm đỏ đón họ, bởi cái cần nhất với người tài là môi trường làm việc, là mục tiêu và khát vọng của nơi nhận họ về làm việc, chứ không phải thảm đỏ.
Đã là người tài thì rất muốn cống hiến, rất muốn làm việc, rất muốn sáng tạo. Họ không muốn và không cần an hưởng trong khi chưa đóng góp bằng chính tài năng của họ. Tạo điều kiện cho người tài làm việc, đó là điều quan trọng nhất để có thể giữ chân họ lâu dài.
Người tài vốn không nhiều. Và khó thấy họ vì họ không hay khoe, không mạnh miệng tự giới thiệu, tự quảng cáo cho mình. Người tài, nhiều khi họ lặng lẽ. Dĩ nhiên, cũng không khuất lấp. Vì thế, không quá khó để tìm ra họ. Vấn đề là ta có thực tâm muốn tìm, muốn dùng người tài không?
Nói là một chuyện, còn làm là một chuyện khác. Tôi đồng ý với câu nói của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Người tài thì thường không đi xin, do vậy, chúng ta phải đi tìm thì mới thấy họ”.
Nói cho cùng, tìm được người tài hay không cũng do cơ chế. Nếu cơ chế thực sự cởi mở, thực sự vì sự nghiệp chung, và quan trọng nhất, không ganh ghét hay đố kỵ với người tài, thì tự nhiên, người tài sẽ tự tìm đến. Khỏi chật vật đi tìm họ cho hại sức khỏe.
Bây giờ, trong một cơ quan hay DN, dù lớn dù nhỏ, thì khi có được vài ba người tài, cũng là quá tốt rồi. Nhưng đứng sau người tài, lại rất cần đông đảo những người giỏi, những người làm việc tốt, thực sự thành thạo công việc. Có được một số đông người giỏi như vậy, người tài sẽ rất dễ làm việc, rất dễ sáng tạo. Ví như có một ca sĩ hát rất hay, lại rất cần có dàn nhạc tốt, có nhiều khán giả thẩm định được tài năng, chia sẻ được giọng hát, và khen đúng lúc đúng chỗ.
Dĩ nhiên, khi cơ quan hay DN có được người tài, họ có những đóng góp hiển nhiên, thì cách đối xử tốt nhất với họ không phải là đưa họ lên chức này tước nọ, mà phải đưa thu nhập của họ lên cho tương xứng với tài năng và sự đóng góp của họ.
Nếu một người thực tài mà thu nhập cao hơn người lãnh đạo cao nhất của họ thì có được không? Hay lúc đó, lại nói: “Ơ kìa, sao anh (hay chị) ấy chỉ là cán bộ bình thường mà thu nhập cao hơn cả sếp, không ổn rồi!”
Xem ra, tìm người tài không khó, mà đối xử với người tài mới khó. Giải quyết được cái “khó” này, thì lo gì không tìm được, không có được người tài. Người thực tài thường rất giản dị và chân thành. Tôi nay đã gần 80 tuổi, va chạm nhiều, thăng trầm nhiều, xuôi Nam ngược Bắc, kết giao với đủ hạng người và đến giờ chưa thấy người thực tài nào lại cao kỳ bắc bậc, coi thường người khác cả. Thực tâm muốn họ phát huy tài năng phục vụ xã hội, nhân dân, ắt họ sẽ dốc lòng kinh bang tế thế.
Đơn giản vậy thôi, mở lòng ra là thấy ngay.
THANH THẢO