Những cánh tay tiếp nối giữ hồn di sản
Sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số Bình Định tạo nên bản sắc riêng, độc đáo cho Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số Bình Định tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Tại Ngày hội lần thứ XVII - năm 2024 vừa diễn ra tại huyện Vân Canh, điểm đáng vui mừng là sự xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, nghệ nhân mới và họ đang dần vững vàng trong kế thừa, thực hành và góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản.
Người trẻ mê truyền thống
Vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt toát lên vẻ đẹp thanh tú đậm chất trai tráng của núi rừng, với phong cách biểu diễn tự nhiên, phóng khoáng, chàng trai trẻ Đinh Yang Trung (23 tuổi), người dân tộc Bana K’riêm ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong khán giả khi trình diễn thanh thoát tiết mục độc tấu đàn tơ rưng ở nội dung năng khiếu trong phần thi Người đẹp miền núi tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII - năm 2024.
Đinh Yang Trung chia sẻ: “Em may mắn sinh ra trong gia đình có ông nội là Nghệ nhân ưu tú Đinh Y Băng hoạt động trên lĩnh vực thực hành, truyền dạy nhạc cụ dân tộc truyền thống, đã tiếp niềm đam mê nghệ thuật dân tộc cho em. Từ khi còn học THPT, em đã được ông nội dạy đánh cồng chiêng, nhưng em rất thích và tập luyện đàn tơ rưng. Ngoài đàn tơ rưng, em còn biết chơi guitar để tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Em đi nghĩa vụ quân sự, vừa xuất ngũ năm nay, có dịp tham gia Ngày hội để học hỏi, giao lưu với các bạn trẻ các dân tộc khác, em thấy tự hào với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Đinh Yang Trung (đứng giữa) biểu diễn độc tấu đàn tơ rưng cùng dàn múa xoang phụ họa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo Đinh Yang Trung, đàn tơ rưng với những thanh âm réo rắt, vui tai cất lên như tiếng suối chảy róc rách, tiếng thác đổ rì rầm, tiếng xào xạc của rừng tre nứa hòa trong tiếng gió thổi… Người Bana K’riêm thường dùng đàn tơ rưng hòa âm với các loại nhạc cụ khác như đàn pơ lơn khơn, đàn goong, dàn cồng chiêng để làm thăng hoa thêm những điệu múa xoang của các thiếu nữ trình diễn trong lễ hội.
Còn cô gái có mái tóc dài óng ánh, khuôn mặt trái xoan với nụ cười duyên dáng Mai Thị Kim Oanh (23 tuổi), người dân tộc Chăm H’roi, ở xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) thì mê múa xoang, hát ru, hát dân ca từ thuở nhỏ. Niềm đam mê dân ca, dân vũ của dân tộc mình được hun đúc trong cô qua những dịp tham gia các lễ hội trong làng, những hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hội thi, liên hoan.
“Lớp trẻ như em, cũng như các em trẻ hơn nữa ở nhiều làng Chăm H’roi trong huyện giờ đây biết múa xoang rất nhiều. Nhờ sự nhiệt tình truyền dạy, hướng dẫn của các thế hệ đi trước, giới trẻ chúng em dần được tiếp cận, rồi yêu thích, theo học múa xoang. Nhưng so với hát ru, hát dân ca Chăm H’roi khó hơn, nên các bạn ít thích. Riêng em thì nghe bà và mẹ hát ru từ nhỏ, em thích và học theo, lớn lên có dịp tham gia các hoạt động lễ hội, hội thi, em được học thêm bài bản dân ca, dân vũ để biểu diễn. Em vui vì mình được kế thừa, thực hành đóng góp vào việc quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm H’roi mình”.
Tiếp nối giữ gìn, phát triển
Cùng với hai điển hình trên, tại Ngày hội năm nay còn xuất hiện nhiều gương mặt nghệ nhân mới, vẫn còn khá trẻ, nắm giữ và thực hành biểu diễn các loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn họ say sưa biểu diễn, chúng tôi cảm nhận sự nhiệt huyết, chân thành và có chút “máu lửa” để hồn âm nhạc truyền thống reo vang giữa đại ngàn.
Trong phần thi biểu diễn văn nghệ truyền thống, nghệ nhân Đinh Nhẫn (44 tuổi), người Bana ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) khiến khán giả chú ý khi biểu diễn một loại nhạc cụ độc đáo, hiếm gặp của đồng bào Bana - đó là trống cổ vũ.
Nghệ nhân Đinh Nhẫn (ngồi giữa) biểu diễn trống cổ vũ trong phần thi văn nghệ truyền thống của đoàn Phù Cát. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân Đinh Nhẫn kể: “Trống cổ vũ do Nghệ nhân nhân dân Phan Chí Thành ở làng Trà Hương, xã Cát Lâm của tôi chế tạo ra và biểu diễn, mang nét độc đáo riêng. Chính vì độc lạ nên cũng khó theo học, vì chỉ mỗi bok Thành biết chơi. Tôi thấy bok Thành chơi rất hay, nên thích và học theo. Khi bok Thành mất, tôi tự tập luyện thêm kỹ thuật trống cổ vũ cho thành thạo. Tham gia Ngày hội nhiều lần, nhưng năm nay là lần đầu tiên tôi biểu diễn trống cổ vũ”.
Trống cổ vũ (còn có tên gọi vỗ vú, vũ vú) được làm từ gỗ gụ tạo hình chữ nhật, bên trong khoét rỗng và tạo rãnh nhỏ trên bề mặt để âm thanh vang ra. Trên mặt trống tạo hình 2 cái núm có kích thước bằng nhau. “Khi biểu diễn, mình cầm hai cây dùi gõ vào núm trên mặt trống, phần thân trống và các phần khác trên trống sẽ cho ra những thanh có âm vực trầm bổng khác nhau. Đặc trưng của trống cổ vũ là không đánh theo bài bản cụ thể mà biểu diễn tự do sáng tạo, ngẫu hứng. Tiết tấu trống hòa theo nhịp múa xoang, cùng thanh âm cồng chiêng tạo nên sự vui tai, như cổ vũ, khích lệ tinh thần mọi người hăng say biểu diễn”, nghệ nhân Đinh Nhẫn cho biết.
Hòa trong không khí rộn ràng buổi giao lưu cồng chiêng trong Ngày hội tại các nhà trại, nghệ nhân Đinh Phúc (45 tuổi), người Bana ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) cũng khiến mọi người để tâm khi xem anh biểu diễn bộ chiêng yang ma 15 chiếc gắn trên giá đỡ.
Anh Đinh Phúc tâm tình: “Bộ chiêng yang ma khó đánh hơn bộ chiêng cung 9 chiếc, nên trong làng có 4 - 5 anh em biết đánh bộ chiêng cung, nhưng chỉ còn mỗi tôi biết biểu diễn bộ chiêng yang ma 15 chiếc. Hồi nhỏ tôi thấy các cụ già trong làng biểu diễn chiêng yang ma, tôi yêu thích bởi sự tự nhiên, phóng khoáng của nó nên theo học. Lúc đầu mới tập thấy khó, cũng nản lắm, nhưng các cụ già động viên, chỉ dạy, tôi theo tới giờ. Mong các bạn trẻ cũng yêu thích và học chiêng yang ma để gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của làng mình”.
NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM