Mẹ của em ở trường
Không chỉ dồn tâm huyết để dạy dỗ trẻ mầm non ở miền núi, chị Ðinh Thị Ðiếc (giáo viên Trường Mầm non An Lão, huyện An Lão) còn biết cách tạo niềm vui, động lực, hỗ trợ để gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn đưa con đến trường. Mới đây, chị Ðiếc là giáo viên dân tộc thiểu số cấp mầm non đầu tiên của huyện An Lão được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Mở lòng với trẻ
Bắt đầu với lý do nhiều bạn cùng lứa tuổi phải bỏ học giữa chừng, chị Đinh Thị Điếc (SN 1992, ở thị trấn An Lão) quyết tâm trở thành cô giáo mầm non. Từ cấp học nền tảng này, chị Điếc mong muốn đồng hành cùng ngành giáo dục địa phương vận động đưa trẻ đến trường, dạy cho các em bài học vỡ lòng.
Cô giáo Đinh Thị Điếc và học sinh tại lễ tổng kết năm học 2023 - 2024. Ảnh: T.K
“Tôi tổ chức nhiều trò chơi để các em giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt như kể chuyện, đố vui, nhập vai theo câu chuyện... Bên cạnh đó, tôi đặc biệt chú ý đến việc hướng dẫn cá nhân, tìm hiểu tính tình, khả năng tiếp nhận của từng em để có cách dạy phù hợp. Đồng thời, qua các hoạt động hằng ngày tại lớp, tôi còn giúp các em gọi tên các sự vật, hiện tượng, hoạt động xung quanh bằng tiếng Việt”, chị Điếc chia sẻ cách giúp trẻ hăng hái học tiếng Việt.
Ngoài những phương pháp dạy học gần gũi, chị Điếc còn là giáo viên rất tâm lý với học sinh. Nhiều trẻ khi mới đến trường còn bỡ ngỡ, không dám nói thẳng nhu cầu hoặc không biết nói tiếng Việt nên phải chịu khát nước hoặc đi vệ sinh không đúng chỗ. Chị Điếc đã nhẹ nhàng, kiên nhẫn để các em chịu nói và biết cách nói lên mong muốn của mình.
“Tôi thường nói rằng các cô ở trường đều rất yêu thương các con. Qua những hành động quan tâm, yêu thương trong thực tế, trẻ sẽ cảm nhận được điều đó. Dần dần trẻ sẽ mở lòng, gần gũi với các cô. Việc dạy và học từ đó cũng dễ dàng hơn”, chị Điếc tâm sự.
Yêu thương, san sẻ
Không chỉ quan tâm đến trẻ mầm non, với tấm lòng yêu trẻ, chị Đinh Thị Điếc còn thường xuyên quan tâm, động viên nhiều em nhỏ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nhiều năm qua, chị đã thành công trong việc đưa nhiều em nhỏ trở lại lớp học.
Khi biết em Đinh Hoàng Hải Long (Trường Tiểu học thị trấn An Lão) có nguy cơ bỏ học, chị Điếc đã đến nhà thăm hỏi, động viên; luôn ưu tiên Long khi có các đợt thăm hỏi, tặng quà.
Chị Đinh Thị Đeo, mẹ em Long, chia sẻ: “Gia cảnh khó khăn, tôi đi làm xa kiếm sống. Long ở nhà với ông bà ngoại già yếu, vì vậy nhiều lúc Long tủi thân. Nhờ cô Điếc thăm hỏi, động viên giúp Long học xong lớp 2 và chuẩn bị vào lớp 3. Tôi mừng lắm!”.
Hay như trường hợp của em Đinh Thị Thiết (lớp mầm A, Trường Mầm non An Lão), do khó khăn, ban đầu gia đình không đưa em đến trường. Khi các cô đến thăm hỏi tình hình mới biết em không có quần áo đi học. Chị Điếc đã tặng quần áo cho Thiết, hiện em đã học xong lớp mầm.
Theo chị Điếc, tuy ở thị trấn nhưng nhiều gia đình vẫn còn khó khăn, nhận thức về việc đưa trẻ đến trường vẫn chưa đầy đủ. Có nhiều lý do khiến phụ huynh không đưa trẻ đến trường như bận việc, trẻ còn quá nhỏ, không có quần áo, cặp sách... Hằng năm, Trường đều có những đợt vận động đưa trẻ đến trường.
“Với các gia đình có nhận thức chưa đúng, chúng tôi sẽ giải thích, vận động. Còn với những trường hợp khó khăn, thiếu thốn, tôi sẽ quyên góp từ đồng nghiệp, anh chị trong gia đình để hỗ trợ. Cũng như nhiều giáo viên khác, với tôi, giúp các em nhỏ đến lớp, đến trường là tạo ra niềm vui, là hy vọng. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng”, chị Điếc chia sẻ.
Đồng hành cùng chị Điếc trong thời gian dài, chị Lỡ Thị Thúy Lan, giáo viên phụ trách chuyên môn mầm non (Phòng GD&ĐT huyện An Lão), cho hay: “Ngoài tâm huyết với công việc, cô Đinh Thị Điếc còn có tình yêu thương đặc biệt với học sinh và người có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, cô Điếc còn là giáo viên dân tộc thiểu số cấp mầm non đầu tiên của huyện được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”.
THẢO KHUY