Mưu sinh nơi cuối dòng sông Lại
Ở gần cuối dòng chảy, nơi sông Lại Giang sắp đổ về biển qua cửa An Dũ (TX Hoài Nhơn), có một “không gian trưng bày” nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Ðặc điểm tự nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử nơi đây đã cộng hưởng tạo nên nét đẹp của một làng nghề ngư nghiệp.
Dọc theo bờ sông Lại thuộc khu phố Phú An (phường Hoài Hương), có nhiều chòi rớ của ngư dân dựng để đánh bắt các loại thủy sản trên sông. Những chòi này “trụ” đã lâu năm, từ lớp cha ông dựng lên, sau con cháu tiếp nối hoặc chuyển nhượng lại cho người trẻ hơn cũng “mộ” nghề sông nước. Có chòi vẫn dùng dụng cụ kéo dây rớ kiểu truyền thống “hai tay nắm hai chân đạp”, nhưng cũng có chòi đã dùng máy kéo dây nên đỡ tốn công sức và có thể làm nhiều hơn cả ngày, đêm.
Một người dân thu được khá nhiều cá sau thời gian ngắn thả lưới.
Theo ông Trịnh Xuân Văn (49 tuổi, ở khu phố Phú An), nếu không có nguồn lợi thủy sản dồi dào tụ về ở khu vực cuối sông Lại Giang từ bao đời nay, nhiều hộ dân cũng “đói meo”. Người dân địa phương vẫn tự hào có những loại cá ở đoạn sông này như cá đối cầu, cá móm… thơm ngon hơn hẳn nơi khác, được người sành ẩm thực ở nhiều nơi ưa chuộng.
Ông Trịnh Xuân Văn đã độ máy để kéo rớ trên sông.
Ông Văn cho biết: “Có khi tôi làm cả ngày và đêm, ngoài chòi rớ, tôi còn đi thuyền thả lưới trên sông, rồi đi soi dọc bờ sông khi nước cạn để bắt các loại tôm, cua, cá giống bán cho người có nhu cầu thả nuôi. Thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình”.
Có nhiều hộ dân ở dọc hai bên bờ sông thuộc phường Hoài Hương và xã Hoài Mỹ sống nhờ vào nghề bắt ốc. Khi thủy triều xuống, họ lội ra sông, dùng các loại dụng cụ truyền thống để nhủi, cào tùy theo loại ốc.
Khai thác ốc trên sông Lại Giang, đoạn thuộc khu phố Phú An, phường Hoài Hương.
Hiện đang vào mùa ốc, đứng trên cầu Lại Giang (nối phường Hoài Hương và xã Hoài Mỹ) nhìn xuống, đã thấy cảnh nhộn nhịp trên sông. Nhiều người ngâm mình dưới nước trong nhiều giờ để khai thác “lộc” sông. Vào ban đêm, nhiều đoạn sông tối không nhìn rõ người bắt ốc, chỉ nhận diện được bằng ánh đèn pin đeo trên đầu họ soi sáng mặt sông, cùng tiếng nói chuyện cười đùa xua bớt mệt nhọc và cái lạnh khi trời dần về khuya.
Người dân khai thác được nhiều ốc gạo.
Bà Nguyễn Võ Kim Thuyền (46 tuổi, ở thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ) trước đây vất vả làm ruộng nhưng thu nhập bấp bênh, 10 năm nay vợ chồng bà chuyển sang bắt ốc. “Bắt ốc vất vả nên phải chịu khó, kiểu “mình làm mướn cho mình” mới có thu nhập trang trải cuộc sống. Cũng tùy ngày, tùy chỗ mà có được nhiều hay ít ốc. Vợ chồng tôi theo con ốc cả ngày đêm, hôm nào kha khá cũng kiếm được 500 - 600 nghìn đồng, có tiền chăm lo cho con ăn học”, bà Thuyền chia sẻ.
HOÀI THU