Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình
Từ trong truyền thống của dân tộc Việt Nam và qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ giá trị của đoàn kết đối với sự thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc; đối với sự phát triển, vững mạnh của Ðảng cũng như đối với sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô-tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội, ngày 19.12.1963. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tiếp theo, Người chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Người đã căn dặn phải giữ vững, phát huy, đồng thời chỉ rõ cách thức xây dựng, củng cố, phát triển truyền thống đó: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Và mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Như vậy, đoàn kết là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là đoàn kết trong Đảng, từ đoàn kết trong Đảng đến đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết trong Đảng là nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết trong Đảng đã thực sự trở thành nhân tố quyết định sức mạnh của Đảng, tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng nước ta trước đây và trong thời kỳ hiện nay.
Những lời tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trân trọng, học tập và làm theo. Để thực hiện tốt di huấn chính trị của Người, trong thời kỳ hiện nay, chúng ta cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình - đây là phương pháp hữu hiệu góp phần quan trọng vào tăng cường sự đoàn kết trong Đảng trên tinh thần “đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Hai là, củng cố, giữ vững mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân, tin tưởng, lắng nghe, dựa vào nhân dân nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cần đẩy mạnh quán triệt, học tập và nhận thức đúng, đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ máu thịt, tăng cường công tác dân vận là tăng cường nhân tố đảm bảo cho sự thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng và là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.
Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định vị trí, vai trò và nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Xây dựng chỉnh đốn Đảng, giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân là hai vấn đề cốt tử trong xây dựng Đảng ta hiện nay. Vì vậy, cần phải đảm bảo việc xây dựng Đảng vững mạnh trên cơ sở các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong xây dựng, bảo vệ đất nước.
Ba là, giữ vững kỷ luật Đảng, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước; xử lý nghiêm minh đối với những sai phạm của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát hiện sớm hiện tượng mất đoàn kết, tập trung giải quyết và xử lý dứt điểm những vụ việc gây ra tình trạng mất đoàn kết trong Đảng.
Bốn là, thực hiện tốt đoàn kết trong Đảng sẽ góp phần vào bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, qua đó, góp phần vào phòng, chống sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đảng và nhân dân là hai nội dung trọng tâm trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng chính là cơ sở, nền tảng, phương thức để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chúng ta đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là ánh sáng soi rọi cho công tác xây dựng, chỉnh đốn của Đảng ta.
NGUYỄN TÙNG LÂM