Ứng dụng siêu âm dẫn đường trong gây tê vùng, phẫu thuật: An toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí
Ứng dụng siêu âm dẫn đường trong gây tê vùng và trong các thủ thuật xâm lấn gây mê, hồi sức mang lại nhiều lợi ích như: An toàn, thoải mái, hiệu quả cao, thời gian thực hiện thủ thuật ngắn, tỷ lệ thành công đạt gần 100%. Kỹ thuật này đã được triển khai tại Khoa Gây mê hồi sức, BVÐK tỉnh, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Các phẫu thuật vùng cánh, cẳng - bàn tay, phẫu thuật vùng xương đòn, khớp vai là loại phẫu thuật rất hay gặp trong chấn thương. Những năm về trước, muốn phẫu thuật, bệnh nhân cần được gây mê, làm ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trong cơ thể; quá trình gây mê và thoát mê phải theo dõi chặt chẽ, phức tạp, nhiều nguy cơ biến chứng, nhưng hiệu quả giảm đau sau mổ không cao.
Ứng dụng siêu âm dẫn đường trong các thủ thuật xâm lấn đang được sử dụng thường quy ở nhiều khoa của BVĐK tỉnh. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Trong phẫu thuật, gây tê vùng ngày càng chiếm ưu thế so với hình thức gây mê toàn thân bệnh nhân. Gây tê thần kinh trước đây thường dùng kỹ thuật gây tê mò (dựa vào mốc giải phẫu hoặc phối hợp với bệnh nhân tìm cảm giác dị cảm), phương pháp này thường đem lại hiệu quả không cao, nhiều biến chứng và gây khó chịu cho bệnh nhân; có thể gặp một số tổn thương thần kinh do tác động cơ học. Gần đây, siêu âm dẫn đường đã tạo ra nhiều đột phá.
Th.s, bác sĩ CKII Nguyễn Thành Bảo (Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh), cho hay: Với những ưu điểm vượt trội, siêu âm ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong việc dẫn đường, định vị cho các kỹ thuật gây mê hồi sức, đặc biệt trong gây tê vùng. Siêu âm trong gây tê vùng mang lại nhiều lợi ích như: An toàn, thoải mái, hiệu quả và kinh tế, thời gian thực hiện thủ thuật ngắn và tỷ lệ thành công cao gần 100%. Dưới hướng dẫn của siêu âm, khả năng nhìn thấy bó thần kinh rất rõ, nhìn thấy sự di chuyển của đầu kim tránh chọc vào mạch máu, màng phổi, thần kinh... và thấy sự lan tỏa của thuốc quanh thần kinh muốn gây tê.
Hơn nữa, trong những trường hợp có chống chỉ định gây mê toàn thân ở người lớn tuổi, nhiều bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…, phải hạn chế, cân nhắc dùng thuốc mê toàn thân, việc sử dụng gây tê dưới hướng dẫn của siêu âm để gây tê phẫu thuật chi trên là tốt nhất. Nhiều nghiên cứu cho rằng, sử dụng siêu âm để dẫn đường trong gây tê đám rối thần kinh cánh tay có thể giảm được lượng thuốc tê, điều này rất an toàn và ứng dụng rộng rãi ở trẻ em và người lớn tuổi.
Đây cũng là một tiêu chí mà Bộ Y tế đánh giá chất lượng an toàn trong gây mê phẫu thuật 5 mức và hướng đến chất lượng, trình độ phát triển trong lĩnh vực gây mê hồi sức của tỉnh, song hành đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực ngoại khoa nói chung và lĩnh vực chấn thương chỉnh hình nói riêng; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Ứng dụng siêu âm dẫn đường các thủ thuật xâm lấn trong gây mê và hồi sức đã thành thường quy ở các khoa Hồi sức ngoại, Hồi sức tích cực - Chống độc, Hồi sức Nhi… Ngoài ra, còn ứng dụng siêu âm dẫn đường cho các thủ thuật dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu đường mật ra da, các can thiệp nối thông động tĩnh mạch, điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, phẫu thuật tán sỏi qua da…
Bác sĩ CKII Võ Thành Nam Bình, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, chia sẻ: “Việc đầu tư máy siêu âm cầm tay không phải là vấn đề quá lớn với các bệnh viện tuyến huyện, bởi thiết bị này có giá chỉ khoảng 100 triệu đồng. Trong thời gian tới, khi các cơ sở y tế được chuyển giao, áp dụng kỹ thuật siêu âm dẫn đường trong gây tê vùng cũng như trong các thủ thuật xâm lấn tại hồi sức sẽ rất hữu ích trong xử trí các ca bệnh có liên quan đến thủ thuật, phẫu thuật. Điều đó giúp xử lý phẫu thuật chính xác hơn, bệnh nhân ít đau hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn, giảm chi phí và thời gian nằm viện; đồng thời, giảm áp lực lên tuyến trên”.
HOÀNG QUÂN