Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU
(BĐ) - Chiều 17.6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản, nghề cá Việt Nam…
Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.T
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, thực thi pháp luật. Dù vậy, công tác chống khai thác IUU vẫn còn những hạn chế, bất cập cần giải quyết trong thời gian tới để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5. Vì vậy, đại biểu dự Hội nghị cần tập trung đánh giá, phân tích nguyên nhân, nêu khó khăn và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau gần 7 năm chống khai thác IUU (từ ngày 23.10.2017 đến nay), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, qua 4 đợt thanh tra của EC, dù rất nỗ lực nhưng đến nay, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vẫn chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo kết quả tốt nhất tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế; xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tập trung nguồn lực theo dõi, kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU...
Đối với Bình Định, tính đến ngày 15.6.2024, toàn tỉnh có 5.297 tàu cá dài từ 6 mét trở lên được đăng ký. Trong đó, 3.744/4.075 tàu cá còn hạn đăng kiểm (chiếm 91,88%) được cập nhật trên hệ thống Vnfishbase; 4.987/5.297 tàu cá được cấp phép khai thác; 3.213 tàu đang hoạt động (100%) đã trang bị thiết bị giám sát hành trình.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã phát hiện 2 lượt tàu vượt ranh giới cho phép trên biển (giảm 30% so với cùng kỳ) và yêu cầu toàn bộ 2 tàu này quay về vùng tự do đánh bắt của Việt Nam an toàn. Đồng thời phát hiện 7 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày (giảm 49 lượt so với năm 2023), xử phạt vi phạm hành chính 6/7 trường hợp với tổng số tiền 145 triệu đồng; trường hợp còn lại do tàu cá hoạt động khai thác và về bến ngoài tỉnh nên tỉnh đã có văn bản đề nghị địa phương nơi tàu về bến phối hợp xử lý. Ngoài ra, đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày trong năm 2023 với số tiền 150 triệu đồng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương phát biểu nêu rõ tồn tại, nguyên nhân và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách. Đáng chú ý, đại diện TAND tối cao đã giới thiệu trước Hội nghị Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.8.2024, gồm 11 điều hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi: Xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nếu các bộ, ngành, địa phương cùng nắm tay, chung sức, triển khai hiệu quả các giải pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì chúng ta vẫn có cơ hội để gỡ được “thẻ vàng”. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 04 để lan tỏa mạnh mẽ tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết này.
Các lực lượng liên quan phối hợp chặt chẽ, phát động đợt cao điểm trước khi Đoàn Thanh tra của EC đến Việt Nam, tập trung vào một số nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP; tiếp tục làm tốt công tác quản lý đội tàu nhưng tần suất quyết liệt hơn; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực trong vài tháng tới; khuyến khích địa phương có những chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
NGỌC TÚ