Từ Giải vô địch trẻ võ cổ truyền toàn quốc năm 2024: Chú trọng hơn đến việc xây dựng lực lượng trẻ
Tại Giải vô địch trẻ võ cổ truyền toàn quốc năm 2024 vừa qua, đoàn Bình Định tuy vẫn giữ được vị trí nhì toàn đoàn, nhưng số lượng huy chương giành được kém xa những lần trước. Đây là lúc các võ sư, võ sĩ, HLV nhìn lại mình, nhìn lại việc xây dựng, phát triển lực lượng trẻ.
Diễn ra từ ngày 8 - 15.6, tại Trung tâm Huấn luyện và Thể thao tỉnh Sóc Trăng, Giải vô địch trẻ võ cổ truyền toàn quốc năm 2024 do Cục TDTT, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng phối hợp tổ chức, quy tụ trên 1.200 VĐV đến từ 40 đơn vị tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc. Đây là giải có số lượng đoàn và VĐV tham gia đông nhất từ trước đến nay. Các VĐV tham gia giải tranh tài ở 2 nội dung quyền thuật và đối kháng tại 3 nhóm tuổi gồm: Từ 6 - 10 tuổi; 11 - 12 tuổi và 15 - 17 tuổi. Đoàn Bình Định dự giải ở cả 2 nội dung với 62 VĐV, 4 HLV.
Ở nội dung quyền thuật, ngoài các đơn vị có truyền thống mạnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quân đội, giải chứng kiến sự phát triển, tiến bộ đáng kể của các đơn vị như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Phần thi này, đoàn Bình Định đứng nhì toàn đoàn với 8 HCV, 9 HCB và 11 HCĐ, sau đoàn TP Hồ Chí Minh (15 HCV, 13 HCB và 8 HCĐ).
Ở nội dung đối kháng, các võ sĩ đất Võ gặp không ít khó khăn khi thi đấu với nhiều đối thủ mạnh đến từ các đơn vị phía Bắc như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nam Định, Công an Nhân dân. Do vậy, thành tích không đạt được như mục tiêu đặt ra, khi 14 võ sĩ góp mặt ở bán kết chỉ giành được 2 HCV, 3 HCB và 8 HCĐ.
Hướng đến thành tích tốt ở các giải đấu sắp tới, đặc biệt ở nội dung đối kháng, đội tuyển Bình Định cần tính toán để nâng dần cả chất và lượng. Ảnh: DIỆU HẰNG
Võ sư Lê Công Bút - Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Trưởng đoàn Bình Định tại giải, cho biết: Tại giải năm nay, nhiều đoàn có chiến thuật thi đấu phù hợp, điển hình là Thanh Hóa, Thái Nguyên đã tập trung đầu tư vào nội dung đối kháng khi quyền thuật không phải là thế mạnh của họ. Đoàn TP Hồ Chí Minh cũng gây bất ngờ khi đưa đến nhiều võ sĩ tố chất rất tốt, cạnh tranh toàn diện, quyết liệt ở tất cả các nội dung, nhóm tuổi, gây không ít khó khăn cho các đoàn, trong đó có Bình Định.
Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất cạnh tranh vị trí nhất toàn đoàn với Bình Định. Tại giải này, đoàn VĐV đến từ thành phố mang tên Bác thể hiện sự vượt trội, khi giành 22 HCV, 16 HCB, 15 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn. Đoàn VĐV đất Võ đứng nhì với 10 HCV, 12 HCB, 19 HCĐ, nhưng khác với trước đây, lần này TP Hồ Chí Minh bỏ xa Bình Định về số lượng huy chương.
Có một số nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của đoàn Bình Định ở giải lần này, đó là sự tiến bộ trong chuyên môn của một số đơn vị; việc Ban tổ chức thay đổi cách tính điểm ở đòn đánh ngã (nội dung đối kháng) ngay trong thời điểm giải diễn ra cũng ảnh hưởng đến VĐV, khi không kịp thích nghi. Trong khi đó, đoàn TP Hồ Chí Minh cử lực lượng đông đảo, tham gia đủ 88 nội dung (đối kháng 43 hạng cân, hội thi 45 nội dung), còn Bình Định chỉ có 62 VĐV góp mặt, trong đó phần lớn là VĐV lấy từ phong trào, thời gian tập huấn chuyên môn, chuẩn bị thể lực trước khi tham dự giải chưa nhiều.
Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: Giải đấu này cho thấy chúng ta vẫn còn làm phong trào chưa tốt. Trong thời gian đến, Trung tâm sẽ tập trung hơn nữa cho việc củng cố chuyên môn ở VĐV phong trào. Bên cạnh đó, bổ sung các VĐV tài năng có thành tích tốt vào đội tuyển để tập huấn, nhằm phát triển bài bản, có hệ thống. Các em sẽ được tham gia giải nhiều hơn để tích lũy thể lực, hoàn thiện chuyên môn.
KIỀU VY