Cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo bán trên các trang mạng xã hội
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều 18.6, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Cấp "visa" cho thuốc mới cần thuận lợi hơn
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã góp ý 6 điểm cụ thể đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo bán trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thứ nhất, hiện nay việc gia hạn sổ lưu hành thuốc rất khó khăn. Với thuốc đã lưu hành nhiều năm, đề nghị dự thảo Luật cho phép gia hạn tự động giống như gia hạn giấy phép hành nghề cho nhân viên y tế nếu trong quá trình sử dụng trước đó không gây ra tác dụng phụ gì.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thuốc bán online gây nguy hại cho sức khỏe, hay những sản phẩm quảng cáo là thuốc mà không phải là thuốc. “Bản thân tôi là bác sĩ, không ngày nào không có người dân gọi đến hỏi thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh dùng không? Vì người ta bán trên mạng, sử dụng hình ảnh của tôi và người dân sử dụng thuốc rất nhiều, gây tác dụng phụ và tốn kém tiền của”, ĐB Hiếu nói.
Trên cơ sở đó, ĐB Hiếu đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định trách nhiệm của Bộ Y tế. Trong đó, Bộ cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo bán trên các trang mạng xã hội; tiếp nhận thông tin, cung cấp cho các cơ quan chức năng điều tra; công khai cho người dân biết trên các trang web và app (ứng dụng) của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng thuốc này.
Thứ ba, nhất trí thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa nhưng ĐB Hiếu lưu ý “cần biết vị trí mình đang ở đâu, tránh duy ý chí”. Nếu không, chúng ta sẽ làm rất nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho thuốc của các hãng dược phẩm lớn ở nước ngoài vào Việt Nam, trong khi thuốc tương đương ở trong nước không thể so sánh nổi.
Thứ tư, về việc mua thuốc theo đơn online, tức là gửi đơn là nhà thuốc sẽ “ship” (giao) tận nhà, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Ủy ban Xã hội (Quốc hội) không ủng hộ ý kiến này, chỉ cho phép cho mua tại nhà đối với thực phẩm chức năng.
“Theo tôi, việc này chúng ta có cấm thì thực tế người ta vẫn làm. Hiện nay rất nhiều nhà thuốc làm như vậy, chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc là nhà thuốc sẽ gửi tới tận nhà. Nếu cấm sẽ đẩy người dân vào tình trạng phạm pháp. Đề nghị cho triển khai nhưng quy định rõ ràng, đặc biệt là bắt đầu từ chính nhà thuốc của bệnh viện có bệnh án điện tử, có khám chữa bệnh từ xa để thuận lợi cho người dân”, ĐB Hiếu nói.
Vấn đề thứ năm liên quan đến thuốc hiếm mà không được đăng ký lưu hành tại Việt Nam, còn gọi là thuốc xách tay. ĐB Hiếu đề nghị cần đưa vào dự thảo Luật với định nghĩa thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số trường hợp bệnh lý cụ thể, để các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ nước ngoài hoặc Bộ Y tế có phương án mua tập trung cho cả nước, khi bệnh viện có nhu cầu thì nhập từ Bộ Y tế.
Cuối cùng, theo ĐH Hiếu, việc “cấp visa” cho thuốc mới hiện phải chờ rất lâu, có khi hàng năm trời, khiến người dân bị thiệt thòi, không được hưởng thành quả mới của khoa học. Trong đó, có những loại thuốc đã lưu hành 5 - 6 năm nhưng muốn nhập vào nước ta thì việc cấp phép vẫn còn chậm.
“Vì vậy, cần có quy trình rõ ràng trong việc nhập thuốc đã được các nước trên thế giới công nhận qua các nghiên cứu và ứng dụng đại trà”, ĐB Hiếu đề nghị.
Cần chính sách cụ thể để đảm bảo mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng dự thảo có phạm vi rộng, có nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều luật, kể cả công ước quốc tế.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các chính sách cụ thể để đảm bảo được mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Vì vậy, cần cụ thể hóa hơn nữa, kể cả cấu trúc cũng như cách dùng từ vừa có tầm vóc, nhưng phải sát thực tiễn. Từ đó, ĐB Hạnh đề nghị bổ sung, giải thích cụ thể hơn các thuật ngữ được sử dụng nhiều trong các điều luật nhưng chưa được giải thích thấu đáo.
“Luật phải đi vào cuộc sống nên những khái niệm trong dự thảo Luật phải được giải thích tường minh hơn, có như vậy mới thuyết phục, tạo sự dễ dàng trong quá trình thực hiện”, ĐB Hạnh nói.
ĐB Hạnh cũng cho rằng mặc dù dự thảo Luật đề ra mục tiêu lớn là duy trì, bảo tồn phát huy di sản văn hóa, nhưng đối chiếu vào các điều cụ thể liên quan đến các chính sách của Đảng, Nhà nước thì chỉ đề cập ở một số điều khoản và một số đối tượng là chưa đủ, chưa bao quát hết.
Đáng chú ý, trong quá trình giữ gìn và phát huy giá trị của văn hóa phi vật thể, bên cạnh các nghệ nhân, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, phải kể đến vai trò quan trọng của “dòng chảy văn hóa” trong nhân dân từ đời này qua đời khác. Trong đó, có thể kể đến việc trao truyền, gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, bài chòi.
Bên cạnh các chính sách đối với nghệ nhân, rất cần những chính sách mạnh mẽ để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp sống được. Đồng thời, những cá nhân, nhóm, cộng đồng đã và đang tham gia các hoạt động trình diễn, bảo tồn các loại hình văn hóa trong nhân dân cũng phải được quan tâm với chính sách thỏa đáng.
Vì vậy, ĐB Hạnh đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các chính sách cụ thể để đảm bảo được mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể hơn trong Luật về quy hoạch không gian bảo tồn văn hóa, lồng ghép vào quy hoạch phát triển KT-XH của các địa phương. Ngoài ra, Chính phủ cần xác định những vùng di tích, nhóm di tích để có những dự án, phương án phục hồi, bảo tồn kịp thời, nhất là di tích có giá trị đặc biệt như các tháp Chăm ở Bình Định và khu vực Nam Trung bộ.
M.LÂM - H.PHÚC