Phát triển kinh tế báo chí: Cần mạnh dạn thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro
Trong việc phát triển kinh tế báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng các cơ quan nên mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới. Tất nhiên không phải thử nghiệm nào cũng thành công nhưng có thể rút ra kinh nghiệm, kể cả từ những thất bại để có thành công khác sau này.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài PTTH giảm 23% so với năm 2022. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống…
Điều đáng nói là mức chi thường xuyên cho báo chí chỉ dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Kinh tế báo chí đang là vấn đề lớn của các cơ quan báo chí hiện nay.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho biết, hiện nay các cơ quan báo chí đều đang gặp khó khăn. Trong đó có những khó khăn chung của toàn cầu trong bối cảnh dịch chuyển quảng cáo từ nền tảng truyền thống lên nền tảng số (digital). Do đó, dù tỷ lệ chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp tăng lên nhưng chủ yếu lại chuyển sang nền tảng digital là chủ yếu.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân
Trong khi đó, nền tảng digital tại các quan báo chí, kể cả truyền hình, phát thanh, báo in có nội dung digital vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong rất nhiều kênh digital mà doanh nghiệp hướng tới.
“Khó có thể coi báo chí là một dịch vụ công được bởi lẽ báo chí có trách nhiệm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp những tri thức cho người dân..., nhưng nếu coi nó là dịch vụ công và lấy ngân sách, lấy tiền thuế Nhà nước ra để chi trả cho báo chí thì không phù hợp với sự phát triển báo chí. Nên có một phần nhất định kinh phí của Nhà nước hỗ trợ báo chí trong việc tuyên truyền về đường lối chính sách nhưng báo chí cũng phải chủ động phát triển như một số lĩnh vực trong xã hội.
Sản phẩm báo chí là sản phẩm rất đặc thù nhưng nó phải là một thứ hàng hóa và hàng hóa này phải đủ hấp dẫn người dân, doanh nghiệp để hoạt động trên thị trường công bằng với những loại hàng hóa khác”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, trong bối cảnh kinh tế báo chí ngày càng khó khăn do rất nhiều lý do khách quan thì còn có yếu tố chủ quan là hầu hết các cơ quan báo chí vẫn chỉ trông mong vào nguồn thu quảng cáo và đứng nhìn nó suy giảm mà chưa có biện pháp khắc phục.
So sánh với những mô hình kinh doanh của nước ngoài, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng tối thiểu 3-4 mô hình kinh doanh mới có thể đảm bảo nguồn thu. Nhưng nếu chỉ loay hoay với quảng cáo, trong khi nguồn này ngày càng suy giảm, không đa dạng hóa nguồn thu thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Có rất nhiều mô hình của thế giới chúng ta đã tham khảo, nhưng không mấy người dám dấn thân thử nghiệm. Ai cũng lo sợ rằng làm vậy có thành công không hoặc là liệu mình thu phí thì người đọc có chạy hết sang báo khác không? Hay khi thấy các cơ quan thay đổi phương thức phối hợp với các nền tảng, nhiều cơ quan báo chí lại nghĩ mình quá bé nhỏ, không đủ sức để thương lượng với các nền tảng”, nhà báo Lê Quốc Minh chỉ rõ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khuyến cáo các đơn vị nên dựa vào khả năng cả mình, “liệu cơm gắp mắm”, nếu kinh phí ít, thì làm kiểu ít tiền, nếu có nhiều thì làm theo cách nhiều tiền, cần linh hoạt thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro.
Trong các báo cáo gần đây, thế giới cũng nêu ra khoảng 15-16 mô hình kinh doanh khác nhau. Trong đó có những mô hình báo chí Việt Nam có thể thử nghiệm như chức sự kiện hay cung cấp công nghệ… Hiện đã có những cơ quan báo chí rất mạnh, có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ có thể chia sẻ ngay với các cơ quan báo chí khác.
“Chúng tôi có lời khuyên là báo chí hãy mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới. Tất nhiên không phải thử nghiệm nào cũng thành công nhưng có thể rút ra kinh nghiệm, kể cả từ những thất bại để có thành công khác sau này".
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ ra thực trạng đáng ngại khác rằng, báo chí càng ngày càng phụ thuộc vào một số tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google. Họ đã từng nêu ý kiến là không tham gia vào các vấn đề chính trị, tuy nhiên thực tế cho thấy khi họ đã chiếm một vị thế nhất định và sẽ nắm phần lớn trong quyền đàm phán với chúng ta. Họ chỉ có thể dùng một vài công cụ công nghệ đơn giản như thay đổi thuật toán đã có thể thay đổi “luật chơi”.
"Đây là thách thức rất lớn trong tương lai. Không dễ để báo chí xây dựng một nền tảng để tự hoạt động trên đó. Bởi sẽ rất khó để cạnh tranh với các nền tảng công nghệ lớn. Nhưng chúng tôi cho rằng thói quen và hành vi của người dùng rất quan trọng”, nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Ông Minh cũng dẫn chứng thêm rằng, như Facebook ban đầu mọi người lên đó với một hy vọng kết nối bạn bè người thân và những mục tiêu rất tốt đẹp. Nhưng giờ đây lên mạng, bên cạnh những nội dung thú vị sẽ thấy không ít những nội dung nhảm nhí. Do thuật toán của nền tảng, đáng ra mọi người lên mạng để có thể tìm hiểu, tiếp cận với các nội dung thông tin phong phú, thì giờ đây lại chỉ nghe thấy những thứ đồng điệu với quan điểm của mình. Hay nếu mong muốn tìm thấy sự khác biệt nhưng rốt cuộc chỉ tìm thấy những quan điểm na ná mình. Điều này cho thấy các nền tảng công nghệ sẽ cần phải thay đổi. Sẽ đến lúc không ai muốn lên một sân chơi mà toàn thông tin "rác". Họ mong muốn tìm ra những điều tốt đẹp, nhìn thấy những thứ có ích cho xã hội, cho bản thân. Tương tự, báo chí cũng vậy.
“Báo chí lâu nay người ta có một “bệnh” kinh niên là thích nói chuyện tiêu cực để thu hút người xem. Nhưng chúng ta đang thấy một tình trạng “né tránh tin tức”. Một bộ phận công chúng không muốn mỗi buổi sáng lại đọc toàn tin chiến trận, bệnh tật, những vấn đề tiêu cực mà bắt đầu thích đọc những thông tin tích cực, truyền cảm hứng, những nội dung giải thích và giải pháp cho vấn đề.
Đây là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Báo chí không phải là cứ đi nhìn vào phần vơi của cốc nước, không chỉ dựa vào những yếu tố tiêu cực để thu hút người xem bằng sự tò mò của họ.
Một thời chúng ta đã có cụm từ “cướp - giết - hiếp”. Ngày nay đây không phải là cách để các tờ báo chạy theo nữa. Câu view không phải là cách làm của báo chí, đặc biệt là báo chí chính thống.
Về bản chất, doanh nghiệp khi nào thấy hiệu quả thì họ sẽ đổ tiền vào đó. Trước kia, họ chẳng có cách nào khác là đổ tiền vào báo chí. Nhưng giờ đây có quá nhiều cách thức quảng cáo, nên tiền dành cho báo chí, quảng cáo dần chuyển sang các kênh khác. Không có cách nào khác bản thân mỗi tờ báo cần thay đổi”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), muốn có một thị trường báo chí - truyền thông mạnh, trước tiên phải cho nó vận hành đúng các quy luật của kinh tế thị trường bao gồm:
Quy luật giá trị, ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hóa thì ở đó có sự hoạt động của quy luật giá trị, việc sản xuất và trao đổi hàng hóa dịch vụ báo chí truyền thông phải được tiến hành trên cơ sở của việc tính hao phí lao động cần thiết.
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) (Ảnh: Báo Đầu tư)
Quy luật cung cầu, cung - cầu trong thị trường báo chí - truyền thông đã thực sự tồn tại và hoạt động một cách khách quan, có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thường xuyên tác động lẫn nhau trên thị trường. Như vậy, cần có một cuộc “đại phẫu” để rà soát, cắt bỏ những thứ không cần thiết, muốn tồn tại thì phải có lý do hợp lý.
Quy luật cạnh tranh là sự tác động lẫn nhau giữa người mua và người bán hay giữa người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm báo chí - truyền thông. Hai nhóm này tác động lẫn nhau với tư cách là một thể thống nhất, một hợp lực.
Quy luật lưu thông tiền tệ là quy luật xác định lượng tiền cần cho lưu thông. Lượng tiền cần cho lưu thông chính bằng tỷ số giữa tổng giá cả hàng hóa với tốc độ lưu thông tư bản
Ngoài ra, thị trường báo chí - truyền thông cũng chịu tác động của một số quy luật khác như: quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm, quy luật khủng hoảng kinh tế, quy luật tâm lý…
"Trước tiên, cần thống nhất nhận thức rõ về đặc điểm kinh tế, chức năng kinh tế của cơ quan báo chí. Cần làm rõ câu hỏi: Cơ quan báo chí có hoạt động giống như một doanh nghiệp”- chí ít là một “doanh nghiệp đặc biệt", PGS.TS Bùi Chí Trung nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và Truyền thông cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, cơ quan báo chí chỉ có thể vận hành hoạt động kinh tế linh hoạt nếu như có vị thế của một doanh nghiệp. Nhất là với các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Kinh tế báo chí nói chung đang thu hút nguồn thu trên môi trường số, thông qua các hệ thống nội dung số, thu dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, các dịch vụ thu phí bạn đọc với nội dung chuyên biệt, hấp dẫn… Trong khi đó, Luật Báo chí hiện hành chưa công nhận các sản phẩm đặc thù trên nền tảng số là thể loại báo chí. Vì thế, cần bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Luật Báo chí, đồng thời bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động sáng tạo, sản xuất nội dung trên môi trường số, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nội dung số được thuận lợi.
"Làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó giải quyết trong một sáng một chiều", PGS.TS Bùi Chí Trung nói.
Theo Vân Anh - Nguyễn Trang (VOV.VN)