Tăng cường bảo vệ môi trường tại làng nghề
Các làng nghề góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân vùng nông thôn, nhưng quá trình hoạt động, sản xuất cũng tác động không nhỏ đến môi trường. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển làng nghề bền vững cần được ngành chức năng liên quan và các địa phương quan tâm hơn.
Nhà máy xử lý nước thải tạm dừng hoạt động
Làng nghề bún tươi Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) có hơn 80 hộ dân làm nghề, trong đó, 27 hộ đầu tư kinh phí, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất theo hướng cơ giới hóa. Điều này giúp năng suất, sản lượng bún tươi làm ra mỗi ngày tăng hơn so với trước đây, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho các hộ sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Song do đặc thù, làng nghề bún tươi Ngãi Chánh phát sinh lượng nước thải khá lớn, khoảng hơn 50 m3/ngày đêm. Năm 2019, Sở TN&MT đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại đây, sau đó bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành. Nhà máy đã góp phần giải quyết tốt vấn đề thu gom, xử lý lượng nước thải phát sinh; hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường.
Thế nhưng, quá trình thi công đường giao thông đi qua khu vực nhà máy đã gây hư hỏng một số đoạn thuộc hệ thống mương dẫn nước thải vào nhà máy, nên hiện nhà máy xử lý nước thải tạm dừng hoạt động. Lượng nước thải phát sinh tại các hộ làm bún đưa về nhà máy nhưng không được xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các hộ tại làng nghề, cũng như vấn đề bảo vệ môi trường.
Ông Đoàn Thiên Lang, ở xóm Bắc, thôn Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu), kiến nghị: “Đơn vị chức năng liên quan và chính quyền địa phương cần khẩn trương khắc phục hư hỏng của hệ thống mương dẫn nước thải, sớm đưa nhà máy vận hành trở lại, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường để người dân tại làng nghề yên tâm hoạt động, sản xuất”.
Về vấn đề này, ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết: Địa phương đã đầu tư hơn 300 triệu đồng nâng cấp, cải tạo nhà máy xử lý nước thải làng nghề bún tươi Ngãi Chánh. Đơn vị chức năng liên quan đang trong quá trình hoàn tất các quy trình kỹ thuật để sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại.
Nhà máy xử lý nước thải làng nghề bún tươi Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng không ít đến quá trình hoạt động, sản xuất của làng nghề. Ảnh: V.L
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có 42 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động; hiện 30/42 làng nghề đã lập phương án bảo vệ môi trường.
Trong đó, 26/42 làng nghề thuộc nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn chủ yếu phát sinh nước thải sinh hoạt; lượng nước thải sản xuất có phát sinh nhưng không đáng kể và được xử lý chung với nước thải sinh hoạt.
Riêng 16/42 làng nghề thuộc lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có phát sinh nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt. Đặc biệt, 2 làng nghề bún tươi Ngãi Chánh và bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) phát sinh lượng nước thải lớn và có hàm lượng ô nhiễm hữu cơ cao.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), đến nay, UBND tỉnh đã ban hành phương án xử lý nước thải tại các làng nghề. Theo đó, các làng nghề phát sinh lượng nước thải sản xuất lớn (từ 50 m3/ngày đêm trở lên) mới xem xét đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung phù hợp. Ngoài ra, các địa phương có làng nghề tăng cường kiểm tra, giám sát; đảm bảo lượng nước thải phát sinh được thu gom, xử lý đúng quy định.
Ông Nguyễn Kim Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), cho hay: Làng nghề bún, bánh An Thái được cơ quan chức năng đưa vào danh sách phát sinh lượng nước thải sản xuất lớn. Tuy nhiên mới đây, qua khảo sát thực tế của cấp thẩm quyền, lượng nước thải phát sinh hằng ngày dưới ngưỡng phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý tập trung. Bởi làng nghề có tổng số 180 hộ thì có tới 135 hộ làm nghề tráng bánh nên lượng nước thải sản xuất phát sinh ít.
Còn theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, để giải quyết vấn đề nước thải trong quá trình hoạt động chế biến cá cơm khô tại xã Mỹ An, cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ dân xây dựng bể thu gom nước thải, sau đó xử lý theo đúng quy trình. Huyện cũng giao UBND xã Mỹ An thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ giữ gìn, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
VĂN LỰC