Coi trọng công tác PCCC, lấy phòng ngừa là chính
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều 19.6, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật PCCC&CNCH và dự án Luật Phòng không nhân dân.
Phải ban hành được quy định tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy
Dẫn câu nói “nhất thủy, nhì hỏa, thứ ba đạo tặc” khi tham gia góp ý dự thảo Luật PCCC&CNCH, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng ý thức về PCCC và tác hại của cháy đã được ông bà ta nhận thức được từ thời xưa. Với các điều kiện cháy nổ phổ biến như hiện nay, mức độ và tác hại của cháy càng nghiêm trọng hơn, thực tế đã chứng minh qua nhiều vụ việc.
ĐB Lê Kim Toàn nhấn mạnh và đề cao quan điểm phòng là chính trong công tác PCCC. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Từ đó, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn nhấn mạnh và đề cao quan điểm phòng là chính trong công tác PCCC: “Đã cháy rồi thì chữa cháy chỉ hạn chế thiệt hại, phòng là chính để hạn chế các vụ việc xảy ra; nếu có xảy ra thì ta có đầy đủ phương tiện, lực lượng để chữa cháy”.
Trên cơ sở Luật PCCC hiện hành, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, trước hết là phải ban hành được quy định tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, phải tiếp cận được yêu cầu bảo đảm an toàn với từng loại hình cơ sở. Đi đôi với đó là triệt để tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC. Đặc biệt, phải quán triệt tư tưởng PCCC là trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng chuyên trách PCCC là nòng cốt.
“Đây là cơ sở để mỗi gia đình, mỗi người dân, tổ chức, đơn vị và cả cộng đồng tuân thủ và cần phải triệt để tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC. Đã là trách nhiệm toàn dân thì công đoạn nào có thể xã hội hóa được ta nên xã hội hóa, những khâu then chốt thì lực lượng chuyên trách đảm trách”, ĐB Toàn đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, ĐB Lê Kim Toàn cũng cho rằng phải nghiên cứu kỹ điều kiện chuyển tiếp. Nhất là lưu ý đối với những công trình hiện hữu không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải có lộ trình, bước đi để bảo đảm.
“Phải xác định lộ trình ngắn hay dài của từng loại hình. Đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, trước hết cần đáp ứng tiêu chí gì. Ví dụ nhà dân chưa có điều kiện cải tạo lại, như kiểu nhà “chuồng cọp” thì có thể yêu cầu tháo dỡ không? Hoặc công trình tập trung đông người, ở trong hẻm sâu, nhỏ, không bảo đảm PCCC&CNCH, có duy trì hay chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng không? Vì vậy, điều kiện, lộ trình, hạng mục, bước đi phải hết sức cụ thể, phù hợp. Mục đích là vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều kiện cụ thể trước mắt nhưng cũng phải hướng tới lộ trình để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật PCCC. Nếu không, khi xảy ra sự cố hậu quả sẽ rất nặng nề, rất đau xót”, ĐB Toàn phân tích.
Đặc biệt, đối với lực lượng PCCC chuyên trách, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị cần có chính sách tiến thẳng lên hiện đại. Theo ĐB Toàn, quy hoạch và thực hiện quy hoạch của chúng ta hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều nơi xe chữa cháy không vào được, nước từ trụ kéo vào không tới nơi. Vì vậy, lực lượng PCCC chuyên trách phải có phương tiện hiện đại để khắc phục sự cố. Những gì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân thì phải quan tâm, có chính sách đầu tư.
Một vấn đề khác khiến ĐB Lê Kim Toàn “suy nghĩ mãi” là trên cơ sở Luật PCCC hiện hành để xây dựng luật mới kết hợp vào nội dung CNCH thì hơi “gượng ép”.
“Có cảm giác CNCH chỉ gắn với PCCC, trong khi CNCH liên quan đến nhiều lĩnh vực và có nhiều lực lượng tham gia. Ví dụ như khi có sự cố trên biển, sự cố hàng không cũng cần CNCH, nhiều trường hợp không liên quan đến PCCC”, ĐB Toàn nói.
Theo ĐB Toàn, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, trên cơ sở Luật PCCC hiện hành xây dựng riêng một luật về PCCC chuyên ngành. Đồng thời, trên cơ sở nền tảng những nội dung đã nghiên cứu, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Phòng thủ dân sự và các luật chuyên ngành khác, xây dựng một luật về CNCH.
“Đây là lĩnh vực hết sức cần thiết để huy động lực lượng, phương tiện CNCH khi có sự cố xảy ra, kể cả trong cuộc sống đời thường hay sự cố nghiêm trọng khác”, ĐB Toàn khẳng định.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị cần có quy định về công tác PCCC đối với các di sản văn hóa vật thể được bảo vệ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh bày tỏ sự quan tâm đến quy định về PCCC, phạm vi trách nhiệm của “chủ nhà” và cơ quan nhà nước đối với công tác PCCC ở các công trình, di sản văn hóa vật thể nằm trong diện bảo tồn.
“Đơn cử như phố cổ Hà Nội có nhà cửa san sát, điều kiện sửa chữa, trang bị rất khó khăn để đảm bảo các điều kiện thoát hiểm khi có cháy xảy ra, nhất là các nhà thuộc diện bảo tồn. Hoặc trường hợp một ngôi nhà thuộc diện bảo tồn phát cháy, tình huống cấp bách, người đi đường vào đập cửa, đập tường để cứu người thì người đó có bị truy cứu trách nhiệm về hủy hoại di sản hay không?”, ĐB Hạnh dẫn chứng.
Từ đó, ĐB Hạnh đề nghị cần có quy định về công tác PCCC đối với các di sản văn hóa vật thể được bảo vệ.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung cưa cầm tay vào danh mục các thiết bị, phương tiện mà các lực lượng CNCH phải mang theo. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Xung quanh quy định về lực lượng CNCH, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị rà soát lại danh mục các thiết bị, phương tiện mà các lực lượng được mang theo phải có thiết bị cưa cầm tay. “Nhiều vụ cháy tại các công trình, nhà ở có rào sắt kiểu "chuồng cọp", chúng ta phá không được vì không có đồ cắt, trong khi thiết bị cưa cầm tay sạc pin có thể cắt rất nhanh, rìu, búa không thể thực hiện được”, ĐB Cảnh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ĐB Cảnh đề nghị khi có báo cháy, không cần chỉ huy PCCC yêu cầu, lực lượng CA, y tế ở cơ sở phải có mặt để phối hợp giải quyết.
Nên phân cấp cấp phép bay về cho địa phương
Tham gia góp ý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, ĐB Lê Kim Toàn cho rằng phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành của nền quốc phòng toàn dân, để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
“Điều này đã được minh chứng qua lịch sử của đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đang làm đồng nghe tiếng máy bay, các cụ già hay cô dân quân liền giương súng bắn máy bay, tạo nên thế “lưới lửa phòng không” khiến các phương tiện không quân hiện đại của địch phải sợ”, ĐB Toàn nói.
Tuy nhiên, ĐB Toàn bày tỏ băn khoăn về việc máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trong các cuộc xung đột và chiến tranh gần đây ở các khu vực thường được sử dụng để làm tiêu hao sinh lực đối phương, nhưng ở cuộc sống hiện đại, hai phương tiện này cũng là công cụ phục vụ cuộc sống trên một số lĩnh vực. Đơn cử là người nông dân đi bón phân hay phun thuốc cũng có thể sử dụng, hay chụp ảnh, quay video bằng flycam hoặc thám hiểm, quản lý bảo vệ rừng.
Trên cơ sở đó, ĐB Toàn đề nghị cần có quy định cụ thể đối với máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ để góp phần bảo vệ thế trận phòng không nhân dân, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vùng trời nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu trong cuộc sống hiện tại.
Đáng chú ý, ĐB Toàn đề nghị việc cấp phép cho bay thông thường, phục vụ cuộc sống ở phạm vi nào đối với máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nên phân cấp về địa phương, để vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng tạo sự thông thoáng cho người dân sử dụng.
M.LÂM - H.PHÚC