Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân: Sinh động, phù hợp thực tế
Hiện nay, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân là nhiệm vụ hàng đầu trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” khai thác thủy sản của Ủy ban châu Âu. Các cấp, ban, ngành và chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật thực chất, mang lại hiệu quả.
Dù biết rõ việc đánh bắt thủy sản tại vùng biển nước ngoài sẽ mang lại những hệ lụy to lớn, song một bộ phận ngư dân, chủ tàu cá, thuyền trưởng vẫn bất chấp vi phạm, cố ý ngắt kết nối VMS (thiết bị giám sát hành trình) để lẩn trốn sang vùng biển nước ngoài hành nghề. Để xóa bỏ tư tưởng “được ăn cả, ngã về không” của một bộ phận ngư dân, BĐBP tỉnh chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
BĐBP tỉnh hướng dẫn người dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) truy cập link tìm hiểu các thông tin về phòng, chống khai thác IUU. Ảnh: X.Q
Thời gian gần đây, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Phòng Chính trị nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, hướng đến truyền thông dữ liệu điện tử, đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời, chính xác và nhanh chóng. Tiêu biểu là trang web “Tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)” với cách thức dùng điện thoại quét mã QR, truy cập nhanh vào trang web truyền thông của BĐBP tỉnh. Tại đây, người dân sẽ được cung cấp những thông tin về các quy định phòng, chống khai thác IUU, Luật Biển Việt Nam, một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và một số văn bản pháp luật mới nhất.
Tại các địa phương, công tác tuyên truyền pháp luật cũng được quan tâm triển khai trọng tâm, thực chất, có hiệu quả, đã tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản trong ngư dân.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Phù Cát có 5 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Xã Cát Khánh là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất huyện Phù Cát, với 268 tàu thuyền (trong đó có 178 tàu có chiều dài trên 15 m) nhưng nhiều năm liên tiếp không có trường hợp nào vi phạm. Cả hệ thống chính trị xã Cát Khánh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quản lý và kiểm tra công tác phòng, chống khai thác IUU. Chính quyền địa phương đã ban hành các kế hoạch phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng tàu thuyền, nếu phát hiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm đều kịp thời báo cáo. Đây là những “cánh tay nối dài” tuyên truyền phổ biến pháp luật trực tiếp cho ngư dân, thường xuyên đồng hành, chia sẻ những khó khăn với ngư dân. Trong quý I/2024, xã đã tổ chức 3 buổi tuyên truyền trực tiếp, 4 buổi tuyên truyền lưu động.
Chị Đỗ Thị Mỹ Lệ, hội viên phụ nữ thôn An Quang Đông (xã Cát Khánh) cho biết, các buổi tuyên truyền không qua loa, hình thức mà có chiều sâu, đảm bảo chuyển tải được các nội dung tuyên truyền. Phụ nữ tại địa phương phần lớn cùng chồng, con bám biển kiếm sống nên họ cũng là những tuyên truyền viên tích cực, tác động đến nhận thức của cả gia đình.
“Sau những chuyến ra khơi dài ngày, chúng tôi trực tiếp đến hỏi thăm và trò chuyện cùng gia đình ngư dân, động viên họ bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo và dẫn chứng những hệ lụy khi xâm phạm vùng biển nước ngoài. Thực tế, đa số ngư dân có đời sống còn vất vả nên họ rất coi trọng tài sản, luôn giữ quyết tâm cao không vi phạm vùng biển nước ngoài”, chị Lệ nói.
Tại huyện Phù Mỹ, cứ mỗi cuối tuần, ngư dân tại các thôn thuộc xã Mỹ Thành sẽ tụ họp, kể nhau nghe về những khó khăn trong quá trình đánh bắt xa bờ để kịp thời kiến nghị lên chính quyền. Nhận thấy đây là dịp mọi người tề tựu đầy đủ, cán bộ thôn và Hội LHPN các cấp, Hội CCB, Hội Nông dân tiếp cận, triển khai các chính sách pháp luật, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm các quy định pháp luật khi ra khơi. Dần dần, ngư dân đã hứng thú hơn với các kiến thức pháp luật có phần khô khan.
Anh Nguyễn Thanh (ngư dân thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành) chia sẻ: “Sau những hành trình dài, dù mệt mỏi đến đâu, mọi người cũng cố gắng dành ra một buổi tối để tụ họp cùng nhau. Lúc đầu, khi được nghe tuyên truyền pháp luật, mọi người đa phần bỏ về sớm. Đến nay, dù đến cuối buổi, mọi người vẫn còn nán lại trò chuyện rôm rả. Tất cả đều chung quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU để ngành thủy sản phát triển bền vững”.
Theo đại tá Nguyễn Bá Bình, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, BĐBP tỉnh thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN các cấp, các cơ quan, đoàn thể tại địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền sinh động, phù hợp với thực tế. Nhân các buổi tuyên truyền, ngư dân còn được giải đáp những ý kiến, kiến nghị liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình đánh bắt thủy sản trên biển. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần sự đổi mới, linh hoạt và đảm bảo hiệu quả trong bối cảnh cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang dốc sức để tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản Việt Nam.
XUÂN QUỲNH