Sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các luật triển khai đồng bộ, không để xảy ra “độ trễ” và điểm nghẽn
Đó là một trong những kiến nghị của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn khi tham gia thảo luận ở tổ về việc sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 theo tờ trình của Chính phủ.
Hoạt động diễn ra vào sáng 20.6 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
ĐB Lê Kim Toàn cho rằng việc sửa đổi một số điều của 4 luật trên thể hiện sự quyết tâm rất cao của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn cho rằng việc sửa đổi một số điều của 4 luật trên thể hiện sự quyết tâm rất cao của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để sớm đưa luật vào cuộc sống, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024.
“Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua với hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, bây giờ Chính phủ trình Quốc hội cho phép Luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, bắt đầu từ 1.8.2024. Điều này đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống”, ĐB Toàn nói.
Để các luật được thực hiện thống nhất và đồng bộ, ĐB Toàn cho rằng hiệu lực thi hành của các luật liên quan cũng cần điều chỉnh, tránh sự chồng chéo và “độ trễ” trong các văn bản pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở đó, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ và ban soạn thảo cân nhắc bổ sung tên gọi theo hướng: Luật sửa đổi một số điều về hiệu lực thi hành của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Bởi, tên gọi của luật bổ sung một số điều theo tờ trình của Chính phủ thì nội dung chủ yếu là điều chỉnh hiệu lực thi hành của các luật và điều luật liên quan để thực hiện đồng bộ với Luật Đất đai khi có hiệu lực từ ngày 1.8. Trong khi đó, các luật này mới cho ý kiến hoặc cho ý kiến ở rất nhiều kỳ họp, giờ lại sửa ngay thì khi tiếp cận pháp luật sẽ không tường minh, tạo ra sự “suy nghĩ”.
“Việc bổ sung tên gọi sẽ bảo đảm sự tường minh, dễ tiếp cận, dễ tra cứu, vừa tránh tạo ra suy nghĩ “sao Quốc hội mới ban hành luật, chưa áp dụng đã sửa””, ĐB Toàn nói.
Nhấn mạnh việc thay đổi hiệu lực thi hành của các luật, trong đó yếu tố tích cực là đẩy nhanh sớm tiến độ thực hiện, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ tích cực, khẩn trương rà soát một cách đồng bộ để bảo đảm ngày 1.8 khi các luật và điều luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống văn bản hướng dẫn cũng được ban hành và đồng thời có hiệu lực để triển khai; không để xảy ra “độ trễ” và điểm nghẽn.
“Đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tính toán thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương để bảo đảm cho các địa phương kịp ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện, cụ thể hóa theo thẩm quyền trước ngày 1.8”, ĐB Toàn kiến nghị.
Đáng chú ý, ĐB Lê Kim Toàn cũng đề nghị trong văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành chi tiết, nhất là phương pháp tính giá đất và dự kiến giá đất theo phương pháp tính mới của Luật.
“Phương pháp tính giá đất mới đặc biệt liên quan đến hạ tầng công nghiệp phục vụ phát triển, nên phải tính toán để vừa khai thác tiềm năng, lợi thế giá trị về đất nhưng cũng tạo được lợi thế cạnh tranh trong việc sử dụng đất. Nếu phương pháp tính giá đất mới đưa ra giá trị đất, giá đất phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển KH-XH, vừa mất lợi thế cạnh tranh cũng như ảnh hưởng đến vấn đề tạo và giải quyết việc làm”, ĐB Toàn phân tích.
M.LÂM - H.PHÚC